Kinh tế vĩ mô

"Xây dựng chương trình phục hồi kinh tế để không bị lỡ nhịp”

Bộ trưởng KH&ĐT đánh giá, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cấp thiết khi bước vào “trạng thái bình thường mới”.

Sáng 1/10, Bộ KH&ĐT tổ chức Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 với các bộ, ngành và địa phương.

Các khoản hỗ trợ vẫn ở mức thấp

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhất là khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào tháng 7/2020.

Kinh tế tăng trưởng chậm lại, quý III âm 6,17%, 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,42%, hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng, tiêu dùng bị gián đoạn, đứt gãy, sức chống chịu của nền kinh tế ngày càng giảm sút. Nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng bị bào mòn, đời sống của người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng cho hay, thời gian qua, được sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân.

Chính sách hỗ trợ chủ yếu bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ về thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, chi ngân sách nhà nước với quy mô khoảng 6,7 tỷ USD.

“Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh khác như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí, quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP. Tuy nhiên so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (11,4% GDP), Malaysia (5,3% GDP) thì mức hỗ trợ này vẫn là mức thấp”, Bộ trưởng nêu.

Toàn cảnh phiên hội nghị sáng nay (Ảnh: MPI).

Bộ trưởng đánh giá, thời gian qua chính sách hỗ trợ của Việt Nam vẫn chủ yếu nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính của doanh nghiệp, người dân, chủ yếu tác động về phía cung của nền kinh tế.

Các chính sách đang thiếu các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai.

Kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị của các chuyên gia, tổ chức quốc tế đều cho rằng, Việt Nam cần phải xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, để không “lỡ nhịp” khi bước vào “trạng thái bình thường mới”.

Theo ông Dũng, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, chuyển đổi số, công nghệ số, để chủ động tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng mới toàn cầu… cũng như xu thế chuyển đổi các hoạt động tài chính, thương mại, giáo dục, y tế, khám chữa bệnh trên nền tảng trực tuyến.

Hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận với dịch Covid-19 theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” để thực hiện vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Độ bao phủ, tiến độ tiêm vắc-xin ngày càng khả quan cũng tạo điều kiện tốt để mở cửa, khôi phục lại các hoạt động kinh tế.

Do đó, phía Bộ KH&ĐT đánh giá, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cấp thiết để có được những chính sách đúng đắn, tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất.

Bộ trưởng cho biết, Đảng, Quốc hội đã xác định đến năm 2025, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 6,5-7%, tuy nhiên, thách thức và yêu cầu đặt ra cho năm 2022 và năm 2023 là rất lớn.

8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ

Về kế hoạch thực hiện, phía Bộ KH&ĐT đã xây dựng 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ nền kinh tế. 

Thứ nhất, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đây là nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng, cấp bách ngay từ đầu năm 2022 nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19”, tạo nền tảng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Bởi thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19 là yếu tố tiên quyết, không thể thiếu để thực hiện phục hồi kinh tế.

Thứ 2, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, kiểm soát lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, tiết kiệm chi thường xuyên.

Cần thúc đẩy, phát triển lại thị trường du lịch trong nước thông qua các chính sách bình ổn thị trường (Ảnh: Phạm Tùng).

Thứ 3, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, hành chính các cấp.

Thứ 4, phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước. Phát triển ngành du lịch hướng đến an toàn với dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Thúc đẩy tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại và giảm thuế, phí ô tô trong nước.

Thứ 5, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng (tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận tín dụng, hỗ trợ lãi suất với một số đối tượng cụ thể); tài chính (miễn, giảm thuế, phí)...

Thứ 6, phục hồi, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI, khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, nhất là hạ tầng giao thông và nông nghiệp, thủy lợi, dự kiến nguồn vốn đầu tư công trong 2 năm 2022 - 2023 khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

Thứ 7, phát triển vùng, đô thị, tháo gỡ thể chế để phát triển các đô thị lớn của cả nước.

Giải pháp thứ 8 mà Bộ đưa ra là phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường kết nối cung- cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động.

Bộ KH&ĐT cho biết, kinh phí thực hiện Chương trình được bảo đảm từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác, trong đó có các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ công đoàn.