Sự kiện

Xâm hại tình dục trẻ em: “Chỉ có thể phòng còn chống thì rất khó”

Đó là ý kiến của bà Lê Tuyết Mai – Phó giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) liên quan đến việc làm sao để đảm bảo an toàn cho trẻ em gái tránh bị sàm sỡ, xâm hại tình dục.

Những ngày qua, thông tin về vụ việc cựu viện phó VKSND TP.Đà Nẵng có những hành động thiếu chuẩn mực với một bé gái trong thang máy ở chung cư TP.HCM đã nhận được rất nhiều sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hầu hết đều bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ trước hành động này, bên cạnh đó lời giải thích của vị cựu viện phó này chỉ là “nựng” cũng đã khiến dư luận không thể nghe được.

Vụ việc này gây xôn xao dư luận.

Trước sự việc này, cũng đã từng xảy ra rất nhiều những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, trẻ em bị lạm dụng tình dục được thông tin rộng rãi.

Cũng tại hội thảo trao đổi kinh nghiệm về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án, vụ việc xâm hại phụ nữ và trẻ em tổ chức vào ngày 9/4/2019, đại diện cục Cảnh sát hình sự - Bộ công an cho biết, chỉ trong 4 năm (2014- 2018), liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em thì cả nước phát hiện trên 6.780 vụ, với gần 7.000 nạn nhân.

Có thể nói, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có diễn biến hết sức phức tạp; xảy ra nhiều vụ như cha hiếp con, thầy giáo dâm ô với học sinh, ... nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng như hiếp rồi giết trẻ em, xâm hại nhiều lần dẫn đến nạn nhân có thai hoặc phải tự tử. Tuy nhiên, việc phát hiện, xác minh, khởi tố điều tra loại tội phạm này còn gặp rất nhiều khó khăn.

Từ thực tế này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe những trăn trở, chia sẻ của bà Lê Tuyết Mai – Phó giám đốc quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam (bộ Lao động thương binh và xã hội).

Bày tỏ ý kiến của mình về việc làm sao để có thể chống được nạn xâm hại tình dục, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em gái, bà Lê Tuyết Mai cho rằng: “Theo tôi, để chống xâm hại tình dục trẻ em rất khó, vì một đứa trẻ rất yếu ớt không thể chống lại được một người lớn to khoẻ, còn phụ huynh khi phát hiện thì mọi chuyện đã xảy ra rồi. Vì vậy, với việc xâm hại tình dục dù là người lớn hay trẻ em thì phòng là chính”.

Cũng bày tỏ ý kiến của mình về xử phạt với những đối tượng có hành vi sàm sỡ, dâm ô… bà Lê Tuyết Mai nêu dẫn chứng: “Điển hình, vụ việc người đàn ông sàm sỡ nữ sinh trong thang máy ở Hà Nội và chỉ bị phạt 200.000 đồng, tôi cho rằng điều này chắc chắn không đủ sức răn đe, cần phải có những chế tài răn đe nặng hơn với những dạng tội phạm này. Với các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có sự vào cuộc của những bộ ngành liên quan. Với những cơ quan như chúng tôi, quỹ thuộc bộ LĐTB&XH chức năng là huy động nguồn lực nên chúng tôi sẽ có những hành động theo đúng chức năng của mình là dạy cho các em kiến thức, kỹ năng sống để phòng tránh. Nếu các em đã bị xâm phạm thì chúng tôi sẽ cấp kinh phí cho trẻ điều trị tâm lý phục hồi và đưa các em hòa nhập cộng đồng”.

Bà Lê Tuyết Mai – Phó giám đốc quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Bà Lê Tuyết Mai cho biết thêm chức năng của quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam là huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ trẻ em có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn. Còn đối với việc phòng và giải quyết hậu quả sau khi trẻ em bị xâm hại tình dục thì phía Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng đang huy động nguồn nhân lực để hỗ trợ.

“Chúng tôi đang viết dự án để kêu gọi những nhà tài trợ hỗ trợ chương trình cung cấp kỹ năng, kiến thức cho các em hiểu biết về cách tự vệ phòng với những kẻ có ý định xâm hại tình dục. Với chức năng của mình thì chúng tôi sẽ huy động nguồn lực để mở lớp đào tạo kỹ năng cho trẻ em biết cách tự bảo vệ mình”, bà Lê Tuyết Mai cho biết.

Nói về kế hoạch mở lớp huấn luyện, bà Lê Tuyết Mai cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị triển khai dự kiến là tháng 5, mời các chuyên gia viết các tài liệu tâm lý, kỹ năng cho trẻ em. Đầu tiên chúng tôi thí điểm ở một số tỉnh, thành phố sau đó sẽ mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố”.

Từ trước đó, bà Lê Tuyết Mai cho biết cũng đưa ra ý kiến trong việc giáo dục về kỹ năng chống xâm hại tình dục cho trẻ, nhưng đây là vấn đề nhạy cảm, khó diễn đạt cho trẻ nên dường như mọi người ngại. Nhưng, cho đến thời điểm này, bà Lê Tuyết Mai nhấn mạnh: “Chúng tôi nghĩ đã đến lúc phải làm, khó cũng phải làm để lên tiếng bảo vệ trẻ em. Trước đây, chúng tôi cũng có những đề án đưa ra nhưng nhiều người băn khoăn không biết với vấn đề nhạy cảm này thì làm như thế nào, ai dám đưa ra hình ảnh của họ để cho mình khảo sát. Hiện tại, vẫn có nhiều vấn đề đặt ra nhưng chúng tôi vẫn quyết định làm. Trước hết là tập huấn kỹ năng sống”.

Cần thiết dạy cho trẻ kỹ năng nhận biết những việc người lạ không được động chạm vào cơ thể, vùng nhạy cảm của mình. (Ảnh minh hoạ).

Về việc tập huấn kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, bà Lê Tuyết Mai cũng cho biết thêm: “Đối tượng tập huấn không chỉ cho trẻ mà còn cho cả phụ huynh và các thầy cô giáo, cả cộng đồng. Đối với trẻ em, sẽ tập huấn kiến thức cơ bản nhận diện được kiến thức về giới tính, cho trẻ biết những ai mới có thể được động vào các bộ phận nhạy cảm của trẻ. Khi trẻ đi một mình mà có người lạ khác giới xâm phạm thì phải biết cách tránh và tự bảo vệ như thế nào…

Đối với phụ huynh, bố mẹ phải biết cách quan tâm đến con, phát hiện những biểu hiện tâm lý khác thường ở trẻ. Đối với các thầy cô giáo cũng thế, với những biểu hiện khác thường của học sinh thì phải nhận ra để phát hiện kịp thời giúp trẻ thoát khỏi tình cảnh đó. Đối với cộng đồng, có tủ sách pháp luật ở các thư viện để giáo dục, răn đe những kẻ có nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em”.

Thái Phương - Hà My