Môi trường

Xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch làm ảnh hưởng đến việc lấy mẫu công nghệ Nano Nhật Bản

Mới đây để đưa mực nước ở Hồ Tây trở về mức bình thường, công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã xả hơn 1 triệu m3 nước vào sông Tô Lịch. Theo các chuyên gia Nhật Bản, việc này sẽ ảnh hưởng đến việc lấy mẫu nước công nghệ Nano Nhật Bản sắp tới.

Video: 

Mới đây công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã tiến hành xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch nhằm đưa mực nước trở về mức bình thường khi hiện tại đang cao hơn quy định khoảng 25cm. Cụ thể trong 2 ngày (9-10/7), công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã xả hơn 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây ra sông Tô Lịch.

Sông Tô Lịch tiếp nhận hơn 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây.

Sau khi tiếp nhận nước từ Hồ Tây đã khiến dòng chảy ở sông Tô Lịch trở nên xanh hơn, nhiều người cho rằng nếu xả liên tục sẽ góp phần cải thiện được vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch. Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi được đặt ra liệu có ảnh hưởng đến quá trình thử nghiệm công nghệ nano Nhật Bản trước đó hay không?

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) cho biết: “Có rất nhiều Giáo sư đưa ra ý kiến việc xả nước tại Hồ Tây vào sông Tô Lịch, nếu hàng ngày có đủ nước cấp nước vào sông Tô Lịch thì sẽ khả thi. Tuy nhiên theo chuyên gia Nhật Bản, việc xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch hiện tại không khách quan, bởi nếu tiến hành kiểm tra mẫu bây giờ thì nước đã bị loãng sẽ không khả quan”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE).

“Bởi đây chỉ là chủ trương của công ty TNHH MTV cấp Thoát nước Hà Nội trong mùa mưa bão, nên chúng tôi không ý kiến. Nhưng nếu đến ngày 17/7, việc xả cống vẫn còn tiếp tục, chúng tôi sẽ gửi công văn dời ngày lấy mẫu đến khi nước sông Tô Lịch trở lại trạng thái nước bình thường, là nước đen và có mùi”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, GS.TS.NGND. Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam cho biết: "Trước hết, muốn đưa sông Tô Lịch trở lại như ngày xưa, làm sống được dòng sông, thì chúng ta cần phải làm theo trình tự. Đầu tiên làm trẻ hoá hai bờ, tiếp theo là xử lý ô nhiễm sông, cuối cùng là đưa nước vào sông.

GS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam.

Chúng ta cần thống nhất lấy khi nào, nguồn từ đâu và cần bao nhiêu điểm, chứ không phải cứ đưa nước vào được mà chưa xử lý ô nhiễm nguồn nước".

"Không chỉ riêng những nhà nghiên cứu, mà rất nhiều người mong muốn sông Tô Lịch trở lại như xưa, mong muốn phát triển du lịch trên sông Tô Lịch, chính vì thế chúng ta cần phải tính toán kĩ càng để đạt hiệu quả", GS.TS.NGND. Ngô Đình Tuấn mong muốn.

Về vấn đề này, ông Tuấn Anh nói thêm: “Chúng tôi chỉ ủng hộ việc xả nước đó vào sông Tô Lịch sau khi đã xử lý ô nhiễm nước, cũng như lượng bùn ở sông, thì lúc đó việc xả nước sẽ rất hiệu quả, nước từ đầu nguồn chảy xuống hạ lưu như vậy kéo theo vi sinh vật công nghệ Nano sẽ giúp việc xử lý nước càng nhanh và chi phí lại càng thấp hơn".

Hữu Thắng - Lê Liên