Môi trường

Xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch, chuyên gia Nhật phải thí điểm lại công nghệ làm sạch từ đầu

Việc xả hơn 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch đã làm ảnh hưởng đến quá trình thử nghiệm công nghệ nano của Nhật Bản. Do đó, toàn bộ thí nghiệm sẽ được thực hiện lại từ đầu.

Ngày 9/7, Hà Nội đã mở cửa xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch để đưa mực nước trở về mức bình thường vì đang cao hơn quy định khoảng 25 cm. Khoảng hơn 1,5 triệu m3 nước Hồ Tây đã được xả vào trực tiếp đầu nguồn sông Tô Lịch. 

Tuy nhiên, việc này đã làm ảnh hưởng tới khu thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano, thuộc công ty cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) đang thực hiện.

Toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng qua đã trong chốc lát bị cuốn trôi và không còn ở khu 300m để đánh giá nữa.

Trước hết, về tính thời điểm, công ty cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) cho rằng việc xả nước là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho thành phố trong mùa mưa. 

Tuy nhiên, đơn vị này đã chỉ ra lý do việc xả nước làm ảnh hưởng đến quá trình thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch mà mình đang thực hiện. Cụ thể, chiều ngày 16/7, các chuyên gia Nhật Bản đã tiến hành kiểm tra hệ vi sinh vật của tấm Bioreactor thì thấy toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng qua đã bị cuốn trôi và không còn ở khu 300m để đánh giá nữa.

Từ đó, phía đơn vị này cho biết sẽ phải làm lại từ đầu việc thử nghiệm: "Gần như chúng tôi phải làm lại từ đầu, và cần thời gian tối thiểu trên 1 tháng để kích hoạt trở lại hệ vi sinh vật có lợi thì lấy mẫu đánh giá ở khu vực thí điểm mới chính xác, khách quan".

Đơn vị này cũng kiến nghị: "Do chỉ là thử nghiệm trên đoạn sông 300m (chứ không phải trên cả dòng sông) nên kính đề nghị cố gắng điều chỉnh việc xả nước từ Hồ Tây sau khi thí điểm của chúng tôi hoàn thành, trừ trường hợp bất khả kháng bão lũ tràn về gây mất an toàn cho Hồ Tây thì bắt buộc phải xả nước".

Video: Chuyên gia Nhật Bản theo dõi tốc độ xử lý phân hủy bùn tại sông Tô Lịch

Hữu Thắng