Sự kiện

Xã, huyện đổ trách nhiệm cho nhau khi “lệnh” cho dân “giữ lại lợn bị tả lợn châu Phi, chết mới được chôn”

Một con lợn trong chuồng bị chết, nhiều con khác bị dịch tả lợn châu Phi, xã đã “lệnh” cho dân giữ lại những con lợn ốm để theo dõi và điều trị, chết mới được chôn. Khi được hỏi, chủ tịch xã và trưởng phòng nông nghiệp một huyện ở Thanh Hóa lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

“Lệnh” giữ lại lợn bị bệnh tả lợn châu Phi, chết mới được chôn!

Ngày 3/6, PV Báo Người Đưa Tin nhận được phản ánh của chị Trịnh Thị Hiền (SN 1986), trú tại thôn Minh Thành, xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo nội dung phản ánh, đàn lợn hàng chục con của gia đình Hiền bị dịch tả lợn châu Phi (2 con đã bị chết, nhiều con nhiễm bệnh bỏ ăn nhiều ngày) nhưng xã không cho tiêu hủy theo quy định mà bắt giữ lại những con lợn ốm để chăm sóc, điều trị, theo dõi, khi nào chết mới được chôn.

Cuối tháng 5/2019, chị Hiền phát hiện một số con lợn trong đàn lợn 50 con của gia đình có chung triệu chứng như: Sốt cao, bỏ ăn, ho, đi lại khó khăn. Vài ngày sau, một con trong đàn bỗng lăn ra chết nên chị Hiền đã thông báo với thôn trưởng và cán bộ thú y xã.

Khi tới kiểm tra, đoàn cán bộ chức năng của xã dù không lấy mẫu đi xét nghiệm, nhưng đã lập biên bản và “kết luận bằng miệng” rằng con lợn của gia đình chị Hiền bị chết do bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Thời điểm PV có mặt, 1 con lợn trong đàn lợn của gia đình chị Hiền bị chết nhưng chưa được tiêu hủy.

Địa phương đã hỗ trợ gia đình vôi bột, thuốc phun khử trùng và yêu cầu gia chủ tự đào hố tại vườn nhà để chôn con lợt bị chết. Ngoài ra, xã cũng giao cho chị Hiền tách 2 con lợn bỏ ăn, sốt cao ra khỏi đàn lợn để tiếp tục điều trị theo dõi. Điều trái khoáy hơn là xã còn “lệnh” cho dân là khi nào lợn chết mới được chôn.

Dù không đồng tình với cách xử lý của chính quyền, nhưng do chồng đi làm ăn xa, lại không được xã lập biên bản ghi nhận để hỗ trợ lợn khi tiêu hủy nên chị Hiền đành giữ lại đàn lợn bị nhiễm bệnh.

Những ngày tiếp theo, số con lợn bị nhiễm bệnh có chung triệu chứng ngày một tăng lên, khiến gia chủ ngồi trên đống lửa. Nhiều lần chị gọi điện, trực tiếp tới gặp trưởng thôn, lãnh đạo UBND xã Triệu Thành để hỏi về phương hướng xử lý đàn lợn bị nhiễm bệnh. Nhưng, mỗi khi được hỏi chị Hiền đều nhận chung câu trả lời “phải giữ lại điều trị, theo dõi, chết con nào chôn con đó”.

“Tôi theo dõi trên đài báo nói nếu đàn lợn cùng ô chuồng có con chết vì dịch tả châu Phi thì phải tiêu hủy cả đàn để tránh lây lan vì hiện chưa có vắc xin phòng và trị bệnh này. Nhưng, nhiều lần lên hỏi thì lãnh đạo xã trả lời phải giữ lại điều trị, theo dõi, chết mới được chôn, khiến tôi rất hoang mang. Không biết kêu ai nữa nên tôi mới phản ánh tới báo chí nhờ giúp đỡ”, chị Hiền cho hay.

2 con lợn bị bệnh tả lợn châu Phi được xã yêu cầu chị Hiền giờ lại để điều trị và theo dõi, tới khi nào chết mới được tiệu hủy.

Chiều cùng ngày, PV cùng đồng nghiệp có mặt tại gia đình chị Trịnh Thị Hiền để xác minh thông tin. Tại chuồng lợn của gia đình chị Hiền có khoảng hơn 40 con lợn được chia thành 3 ô. Trong đó, một ô đang nuôi hơn 10 con lợn có trọng lượng từ 40 – 60kg, trong đó có 1 con đã chết, nhiều con khác nằm li bì giữa đất không đứng dậy được.

Ngoài ra, 2 con lợn cùng ô chuồng này đã được gia chủ cách ly khỏi đàn theo chỉ đạo của xã gần 1 tuần nay đang sắp chết.

Xã và huyện đá quả bóng trách nhiệm cho nhau!

PV đã liên hệ với ông Vũ Đức Kính, Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn và ông Lê Đức Giang, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa để cung cấp thông tin và xin ý kiến về cách xử lý của chính quyền địa phương có đúng với quy định định không? Cả ông Kính và ông Giang cho hay, sẽ yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước và thú y vào cuộc kiểm tra, xử lý ngay.

Trước đó, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Hà Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Triệu Thành khẳng định, việc xã “lệnh” cho hộ dân giữ lại những con lợn bị ốm trong đàn lợn có con bị chết do nhiễm bệnh tả lợn châu Phi để tiếp tục điều trị, theo dõi là thực hiện theo chỉ đạo bằng văn bản của huyện Triệu Sơn.

“Con chết kết luận bị tả lợn châu Phi thì đã chôn rồi, theo công văn của huyện còn nào đang ốm thì tiếp tục điều trị, khi nào chết mới tiêu hủy”, ông Tấn cho biết.

Ông Tấn cung cấp cho PV Văn bản số 1095 ngày 23/5/2019 của UBND huyện Triệu Sơn gửi UBND các xã, thị trấn trên địa bàn về việc xử lý lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi.

Nội dung Văn bản số 1095 của UBND huyện Triệu Sơn gửi các xã thị trên địa bàn về xử lý lợn bị mắc tả lợn châu Phi. Nội dung tại hình chữ nhật đánh dấu màu đỏ được xã Triệu Thành căn cứ để "lệnh" dân giữ lại lợn bị nhiễm mắc bệnh để tiếp tục điều trị, theo dõi và đây cũng là vẫn đề mà xã và huyện đẩy trách nhiệm cho nhau.

Nội dung văn bản: “Đối với các xã có dịch: Đối với hộ/trại (quy mô nhỏ lẻ): Tiêu hủy toàn bộ đàn lợn mắc bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút dịch tả châu Phi. Đối với các hộ/trại khác trong cùng địa bàn xã có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi mà phát hiện nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi thì tiêu hủy toàn bộ số lợn chết và xử lý ổ dịch theo quy định; đối với lợn ốm chỉ được tiêu hủy khi có biên bản chẩn đoán và ý kiến của cán bộ thú y huyện”.

Cuối giờ chiều cùng ngày, ông Lã Văn Lâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cùng với cán bộ thú ý theo sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện Triệu Sơn đã có mặt tại gia đình chị Hiền để xác minh, xử lý thông tin PV phản ánh.

Tuy nhiên, trái ngược với lời của ông Tấn – Chủ tịch UBND xã Triệu Thành, ông Lâm lại cho hay, huyện không chỉ đạo xã giữ lại những con lợn cùng ô chuồng đã bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Nếu những con cùng ô chuồng khi có biểu hiện lâm sàng bị tả lợn châu phi, nằm trong vùng dịch thì không phải lấy mẫu xét nghiệm và phải tiêu hủy ngay.

Kết thúc buổi làm việc, đoàn cán bộ chức năng huyện Triệu Sơn đã kết luận 12 con lợn của gia đình chị Hiền có biểu hiện lâm sàng bị tả lợn châu Phi nên giao xã và cơ quan chuyên môn lập biên bản, chôn lấp ngay.