Thế giới

Quỹ sở hữu Wikipedia kháng cáo phán quyết của tòa án Nga

Tòa án Moscow cho rằng thông tin đăng trên Wikipedia "có nguy cơ gây mất trật tự công cộng hàng loạt ở Nga”.

Tổ chức sở hữu website bách khoa toàn thư mở trực tuyến đa ngôn ngữ Wikipedia mới đây thông báo đã đệ đơn kháng cáo phán quyết của tòa án Moscow. Trước đó, tòa án của Nga đã tuyên bố phạt tổ chức này 5 triệu rúp (tương đương 88.000 USD hay 83.260 Euro) vì từ chối xóa các thông tin liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Sau khi xung đột tại Ukraine bắt đầu hồi tháng 2/2022, Wikipedia vẫn là một trong số ít các nguồn thông tin sẵn có mà công chúng Nga được tiếp cận. Tuy nhiên, cơ quan quản lý truyền thông của Nga Roskomnadzor đã khởi kiện Wikipedia với cáo buộc rằng trang web bách khoa toàn thư do người dùng tạo và chỉnh sửa là nơi cung cấp thông tin bị cấm. 

Trong quyết định của mình, tòa án Moscow cho biết thông tin đăng trên Wikipedia "có nguy cơ gây mất trật tự công cộng hàng loạt ở Nga”, khoản tiền phạt liên quan những "thông tin sai lệch" trong các bài báo tiếng Nga liên quan đến "hoạt động quân sự đặc biệt"của nước này tại Ukraine.

Tòa án cho rằng các bài viết trên Wikipedia có nghi vấn tập trung vào những chủ đề nhạy cảm như thiệt hại gây ra bởi lực lượng Nga ở thị trấn Bucha nằm cách thủ đô Kiev 30km và hơn thế nữa về "hoạt động quân sự đặc biệt".

Trước đó, vào ngày 3/4 năm nay, truyền thông Ukraine cũng như phương Tây đồng loạt đưa tin kèm hình ảnh và video về vụ "thảm sát Bucha" liên quan tới Nga. Phía Moscow đã phủ nhận mọi cáo buộc và cho rằng đây là sự dàn dựng của Ukraine để gây mất uy tín của họ.

Quỹ Wikimedia bảo vệ những nội dung thông tin của Wikipedia về cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: DW.

Quỹ Wikimedia, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ với mục đích duy trì và hỗ trợ hoạt động của các dự án bao gồm Wikipedia, lập luận rằng mọi người đều có quyền được cung cấp thông tin một cách trung thực về cuộc xung đột. 

Trong một tuyên bố, Quỹ Wikimedia cho biết: "Thông tin đang được đề cập là dựa trên sự thật và được xác minh bởi những người tình nguyện liên tục chỉnh sửa và bổ sung các bài viết trên trang web. Do đó, việc xóa thông tin đó sẽ vi phạm quyền tự do ngôn luận và tiếp cận tri thức của mọi người". 

Ông Stephen LaPorte, cố vấn tại Quỹ Wikimedia nói thêm: "Chính phủ đang nhắm mục tiêu vào thông tin quan trọng đối với cuộc sống của người dân trong thời kỳ khủng hoảng". Trong đơn kháng cáo của mình, tổ chức lập luận rằng tòa án Nga không có thẩm quyền đối với trang web với sự sẵn có cho hơn 300 ngôn ngữ trên toàn thế giới.

Phạm Hà Thanh (theo DW, NPR)