Sự kiện

WHO: Đậu mùa khỉ chia 4 nhóm hành động, Việt Nam thuộc nhóm 1

Trước nguy cơ xâm nhập vào nước ta là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca mắc tăng nhanh, Bộ Y tế họp khẩn.

Mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố, đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do tốc độ lây truyền nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa tới các quốc gia khác. Trước nguy cơ xâm nhập vào nước à rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca mắc tăng nhanh, chiều 24/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì họp trực tuyến để bàn các biện pháp ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ.

Các khuyến nghị được WHO gửi đến các cơ quan báo chí khắp thế giới, trong đó đáng chú ý nhất là một số quốc gia được WHO đưa vào nhóm 4 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phần còn lại của thế giới.

Tổng Giám đốc WHO trong cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp về Quy định Y tế Quốc tế liên quan đến đậu mùa khỉ. Ảnh: WHO

Nhóm 1 gồm các quốc gia không có lịch sử bùng phát đậu mùa khỉ ở người hoặc không phát hiện trường hợp nào trong hơn 21 ngày. Như vậy, Việt Nam thuộc nhóm này.

Các quốc gia nhóm 1 được khuyến nghị kích hoạt hoặc thiết lập các cơ chế phối hợp đa ngành để sẵn sàng ứng phó và ngăn chặn dịch đậu mùa khỉ; lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp can thiệp nhằm tránh kỳ thị, phân biệt đối xử nhằm thúc đẩy hành vi tự nguyện báo cáo và tìm kiếm sự chăm sóc y tế khi có triệu chứng nghi ngờ.

Đồng thời, cần thiết lập và tăng cường giám sát dịch tễ học; nâng cao năng lực phát hiện bệnh thông qua đào tạo đội ngũ y tế; nâng cao nhận thức về căn bệnh; tăng cường cung cấp thông tin thông qua các mạng lưới cộng đồng; tập trung hỗ trợ các cộng đồng có rủi ro; báo cáo ngay cho WHO khi có ca bệnh và sẵn sàng tình huống "chuyển vùng" sang nhóm 2.

Nhóm 2 là các quốc gia thành viên đã có các trường hợp đậu mùa khỉ nhập cảnh hoặc lây truyền cộng đồng từ người sang người gần đây. Nhóm này cần thực hiện các phản ứng phối hợp nhằm ngăn chặn lây nhiễm; hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng; bảo vệ đối tượng nguy cơ (người suy giảm miễn dịch, trẻ em và phụ nữ mang thai).

Nhóm này cũng cần tăng cường truyền thông; tăng cường các biện pháp giám sát và các biện pháp sức khỏe cộng đồng, bao gồm báo cáo sớm cho WHO, nâng cao năng lực xét nghiệm, giải trình tự gien, quy trình cách ly kiểm dịch, truy vết, năng lực tiêm chủng...

Nhóm 3 là các quốc gia đã biết hoặc nghi ngờ sự lây truyền căn bệnh này ở loài khỉ hay bất cứ loài động vật nào khác, bao gồm các quốc gia mới bị ảnh hưởng.

Các nước thuộc nhóm 3 ngoài các biện pháp y tế công cộng cần thiết cho cộng đồng, còn cần tăng cường các biện pháp nghiên cứu, kiểm soát dịch bệnh ở động vật hoang dã lẫn vật nuôi, thú cưng được bày bán, theo dõi xem có lây truyền ngược từ người sang động vật hay không.

Nhóm 4 là các quốc gia thành viên có năng lực sản xuất các biện pháp ứng phó y tế như vắc-xin, các thứ liên quan đến việc chẩn đoán/xét nghiệm, các phương pháp điều trị.

WHO kêu gọi các quốc gia và nhà sản xuất thuộc nhóm 4 nên làm việc với WHO để đảm bảo cung cấp dịch vụ chẩn đoán, vắc-xin, thuốc điều trị và các vật tư cần thiết khác cho các quốc gia khác "dựa trên nhu cầu sức khỏe cộng đồng, sự đoàn kết". Hiện nay, nguồn cung vắc-xin, thuốc điều trị còn hạn chế và số quốc gia có năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ chưa nhiều.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, các chuyên gia Cục Y tế Dự phòng họp khẩn về bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Lao Động.

Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên, nguy cơ ghi nhận ca nhiễm ở nước ta là hoàn toàn có thể. Bởi vậy, Việt Nam phải chuẩn bị năng lực về chẩn đoán, cách ly cũng như quản lý để khi có ca bệnh sẽ hạn chế tối đa lây lan cũng như tử vong.

Để phòng tránh dịch bệnh đậu mùa khỉ, theo Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, hiện dịch bệnh đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp, số mắc tăng nhanh, phương thức lây truyền và đặc điểm của bệnh, virus còn nhiều đặc tính cần tiếp tục nghiên cứu. Kinh nghiệm từ việc ứng phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua; trước nguy cơ các ca bệnh xâm nhập vào nước ta đòi hỏi chúng ta cần phải hết sức chủ động và quyết liệt trong công tác dự phòng, ứng phó thống nhất từ Trung ương đến địa phương, trước mắt cần tập trung triển khai một số nội dung chính như sau:

Kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (PHEOC) của Bộ Y tế tại Cục Y tế dự phòng và 4 Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur.

Theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin hàng ngày diễn biến tình hình dịch bệnh, báo cáo kịp thời; điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.

Tăng cường mạnh mẽ công tác truyền thông tới người dân, cộng đồng và các đối tượng có nguy cơ về từ vùng dịch, người lưỡng giới, hoặc quan hệ đồng giới, khuyến cáo người dân, chủ động phòng chống bệnh dịch với phương trâm truyền thông đi trước một bước...

Đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu (cân nhắc việc khôi phục khai báo y tế trở lại tại một số quốc gia ghi nhận ca bệnh lớn), giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng...

Trúc Chi (t/h theo Người Lao Động, Lao Động, Sức khỏe & Đời sống)