Thế giới

WHO đánh giá chiến lược Không Covid của Trung Quốc không bền vững

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, chính sách Không Covid (Zero Covid) của Trung Quốc là không bền vững.

Trong cuộc họp báo tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 10/5, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng: “Khi nói về chiến lược Không Covid, chúng tôi không nghĩ rằng chiến lược này bền vững khi xem xét đến các diễn biến của virus hiện tại và những gì chúng tôi dự đoán trong tương lai. Đặc biệt là khi chúng ta hiện có kiến thức tốt, hiểu biết về virus và khi chúng ta có các công cụ tốt để sử dụng, việc chuyển đổi sang một chiến lược khác sẽ rất quan trọng".

Phát biểu của ông Tedros được đưa ra trong bối cảnh giới chức Trung Quốc quyết tâm chống dịch bằng các biện pháp cứng rắn, dù lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế quốc gia này. Đây là bình luận hiếm hoi của người đứng đầu WHO về chính sách đối phó với Covid-19 của một quốc gia.

Giám đốc phụ trách tình huống khẩn cấp của WHO Mike Ryan cũng cho rằng đã đến lúc phải “nhấn nút khởi động lại” và bất kỳ biện pháp chống dịch nào cũng cần phải thể hiện "sự tôn trọng thích đáng đối với các quyền cá nhân và con người". 

Theo ông Ryan, Trung Quốc ghi nhận 15.000 ca tử vong kể từ khi Covid-19 xuất hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán cuối năm 2019, một con số tương đối thấp so với gần 1 triệu người ở Mỹ, hơn 664.000 người ở Brazil và hơn 524.000 người ở Ấn Độ. Từ đó có thể hiểu được khi quốc gia đông dân nhất thế giới muốn hạn chế sự lây lan của Covid-19.

Tuy nhiên, Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, cho rằng không thể ngăn chặn hoàn toàn lây lan. "Mục tiêu của chúng tôi ở cấp độ toàn cầu không phải là tìm ra tất cả ca nhiễm và chấm dứt lây lan. Điều này thực sự là không thể ở thời điểm hiện tại", bà nói.  Theo bà Kerkhove, những gì cần làm là “giảm tốc độ lây truyền vì virus đang lưu hành ở mức cao".

Trung Quốc đã duy trì chính sách Không Covid trong khi nhiều nước đã thay đổi cách chống dịch, chuyển sang thích nghi trong điều kiện bình thường mới. Các đợt bùng phát do biến chủng Omicron cho thấy, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt cũng khó ngăn chặn được sự lây lan.

Giới chức Thượng Hải, siêu đô thị đông dân nhất ở Trung Quốc, áp lệnh phong tỏa từ ngày 1/4 để đối phó đợt bùng phát nghiêm trọng nhất. Lệnh phong tỏa đã được nới lỏng tại một số khu vực, song giới chức chưa công bố thời điểm dỡ hoàn toàn, dù số ca nhiễm giảm đáng kể.

Lệnh phong tỏa ở Thượng Hải gây ra nhiều tranh cãi khi những người sống cùng tòa chung cư với người mắc Covid-19 cũng có thể bị đưa đến các cơ sở cách ly tập trung. Trước đó, chỉ những người sống chung căn hộ hoặc cùng tầng mới bị coi là tiếp xúc gần và phải đưa đi cách ly.

Việc gia tăng những lệnh hạn chế khiến người dân tại thành phố bất bình, trong bối cảnh Thượng Hải ghi nhận số ca mắc mới ít nhất trong 6 tuần phong tỏa, với 3.947 trường hợp trong ngày 8/5, theo Bloomberg.

Ngoài Thượng Hải, Bắc Kinh cũng đang thắt chặt các hạn chế để ngăn ngừa lây nhiễm. Giới chức Bắc Kinh yêu cầu cư dân ở quận Triều Dương - nơi đặt nhiều đại sứ quán và văn phòng các tập đoàn đa quốc gia như Apple hay Alibaba - làm việc tại nhà. Các cơ sở dịch vụ không thiết yếu như phòng tập hay rạp chiếu phim đã đóng cửa.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 7/5 cảnh báo các lệnh hạn chế tại hai thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải đã khiến tình trạng việc làm “phức tạp và nghiêm trọng”. Ông Lý Khắc Cường chỉ đạo các cơ quan nhà nước ưu tiên những biện pháp duy trì việc làm cho doanh nghiệp và vượt qua khó khăn hiện tại.

Minh Hoa (t/h theo VnExpress, VOV, Zing)