Thế giới

WHO cảnh báo: Covid-19 vẫn chưa thể trở thành bệnh đặc hữu

Mới đây, WHO cảnh báo vẫn chưa thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu và hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát những đợt dịch lớn trên toàn cầu.

Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với Covid-19

Theo ông Michael Ryan, Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, Covid-19 chưa hề thuyên giảm hay trở thành căn bệnh theo mùa mà dịch bệnh này "vẫn gây biến động và có khả năng dẫn đến các đợt dịch lớn."

Ông Ryan cũng nhấn mạnh, bệnh đặc hữu không đồng nghĩa với việc mọi thách thức sẽ chấm dứt, đồng thời đưa dẫn chứng bệnh lao và sốt rét là những căn bệnh đặc hữu vẫn khiến hàng triệu người tử vong mỗi năm.

Cũng theo ông Ryan lý giải, thông thường các bệnh dịch sẽ lắng xuống và có diễn biến đặc hữu, tập trung vào một bộ phận người dân cụ thể. Tuy nhiên, nếu tỉ lệ tiêm chủng giảm, như đã từng xảy ra với việc tiêm vắc-xin ngừa bệnh sởi, các đợt dịch có thể bùng phát trở lại.

Hiện, con số tử vong liên quan đến Covid-19 vẫn tương đối cao, do đó ông Ryan kêu gọi các nước tiếp tục nâng cao cảnh giác sẵn sàng ứng phó với nguy cơ làn sóng dịch mới khi các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục xuất hiện.

Nhân viên y tế tại Thượng Hải. Ảnh: AFP.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO nhận định, SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan mạnh trên thế giới, là nguyên nhân dẫn đến số lượng lớn các ca tử vong và gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên nhiều phương diện.

Theo số liệu tuần trước, số ca tử vong vì Covid-19 giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát nhưng vẫn ở mức 20.000 người. Theo ông Ryan đánh giá, con số vẫn quá nhiều và kêu gọi thế giới không nên tự mãn mà chủ quan.

Điều gì sẽ xảy ra khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu?

Sau một thời gian dài dịch bệnh bùng phát, các chuyên gia y tế cộng đồng thuộc WHO đã thảo luận về các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do dịch Covid-19. Chuyển trạng thái ứng phó Covid-19 từ đại dịch sang bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, Covid-19 trở thành đặc hữu như thế nào vẫn còn là một "bí ẩn" khi bản thân các bệnh đặc hữu có nhiều dạng khác nhau.

Hiện nay, có rất nhiều người thắc mắc bệnh đặc hữu là gì? Để trả lời câu hỏi này Thời báo New York thông tin, bệnh đặc hữu là loại bệnh hiện diện thường xuyên, lặp đi lại lại qua các năm và có thể dự đoán được. Các bệnh đặc hữu lây nhiễm cho hàng triệu người trên thế giới mỗi năm, tuy nhiên tỉ lệ tử vong tương đối thấp. Có thể tiêm chủng và điều trị được.

Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington cho biết, các bệnh đặc hữu phổ biến là cúm mùa, sốt rét, viêm gan B, sốt xuất huyết, lao phổi và HIV/AIDS. Trong đó, sốt rét và cúm đã khiến hơn 800 nghìn người tử vong trên toàn cầu vào năm 2019. Nhiều nhà khoa học dự đoán, Covid-19 đặc hữu có thể gây ra mối đe dọa tương tự các loại virus đường hô hấp khác.

Bà Lone Simonsen, Giám đốc Trung tâm PandemiX, Đại học Roskilde, Đan Mạch cho rằng: "Tôi cho rằng Covid-19 có thể nhẹ như cảm lạnh và sẽ không gây tử vong nhiều hơn bệnh cúm mùa. Lý do là vì chúng ta đã có khả năng miễn dịch và tiếp tục được tăng cường sau khi nhiễm bệnh".

Trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các nhà khoa học nhận định có thể mất vài năm để theo dõi mô hình và dự đoán mô hình lây nhiễm của Covid-19 đặc hữu, tuy nhiên có khả năng các đợt sóng dịch sẽ bùng phát và lắng dịu theo mô hình của cúm mùa.

Nhiều người sau khi mắc Covid-19 sức khỏe bị giảm sút, theo đó các nhà khoa học cảnh báo, có thể mất nhiều năm để giải quyết hậu quả của đại dịch Covid-19.

Trúc Chi (t/h theo TTXVN, Tuổi Trẻ, VTV)