Kinh tế vĩ mô

WB: Việt Nam khởi đầu tương đối tích cực trong tháng 1/2022

WB khuyến nghị cần theo dõi chặt chẽ việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mới để đảm bảo tác động tích cực đến nền kinh tế đạt kỳ vọng.

Bản tin Cập nhật Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 1/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố cho thấy một số dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong tháng đầu năm.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng nhưng không đồng đều, cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư, vốn đầu tư nước ngoài có khởi đầu vững chắc và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

Tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp giảm xuống còn 2,4% so với tháng 1/2021 từ 8,7% (so cùng kỳ năm trước) vào tháng 12/2021. Sự giảm tốc này chủ yếu do sản xuất máy tính, điện tử và sản phẩm quang học giảm. Tuy nhiên, sản xuất các sản phẩm kim loại, may mặc và giày da đạt tốc độ tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Khác biệt giữa các lĩnh vực có thể được lý giải do nhu cầu từ khu vực kinh tế đối ngoại và tình trạng tuyển dụng lao động theo ngành.

Chỉ số sản xuất công nghiệp, thay đổi theo %. Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2022 tăng 6,7% so tháng trước và 1,3% so cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu dùng cho Tết Âm lịch. Doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 7,0% so với tháng trước và 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2022 chững lại trong khi tăng trưởng nhập khẩu vẫn được duy trì vững chắc. Xuất khẩu giảm tốc do kim ngạch xuất khẩu điện thoại giảm mạnh, tăng trưởng các mặt hàng chủ lực khác như máy tính và đồ điện tử cũng chậm lại. Tuy nhiên, dệt may tiếp tục là ngành xuất khẩu tăng trưởng đều nhờ nhu cầu từ Mỹ.

Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước, tương đương với tỷ lệ được ghi nhận cuối năm 2021. Giá tiêu dùng tăng chủ yếu do tăng giá năng lượng, đẩy chi phí nhóm nhà ở và giao thông tăng lên. Giá lương thực, thực phẩm thì vẫn tương đối ổn định trong khi lạm phát cơ bản tăng 0,7% so cùng kỳ năm trước.

Chỉ số CPI theo % và đóng góp của các lĩnh vực. Nguồn: Ngân hàng Thế giới. 

Cam kết và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có khởi đầu mạnh mẽ năm 2022. Việt Nam thu hút 2,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 1, tăng 4,2% so cùng kỳ năm trước nhờ các dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư lớn, đặc biệt trong ngành điện tử và nhờ hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) sôi động. Vốn đăng ký chủ yếu vẫn là vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (gần 60%), tiếp theo là bất động sản (22,5%). Giải ngân các dự án FDI đã được phê duyệt tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng 6,8%.

FDI vào Việt Nam, tính theo tỷ USD. Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 13% dự toán, trong khi chi ngân sách chỉ đạt 6,4% dự toán, dẫn đến bội thu ngân sách khoảng 69,6 nghìn tỷ đồng (3,1 tỷ USD) trong tháng 1/2022. Đầu tư công giảm 14,0% so cùng kỳ năm trước, trong khi chi thường xuyên tăng mạnh hơn, tăng gần 25% so cùng kỳ năm trước.

Với khởi đầu như vậy, WB khuyến nghị cần theo dõi chặt chẽ công tác triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mới giai đoạn 2022-2023 để đảm bảo tác động tích cực đến nền kinh tế đạt kỳ vọng. Các biện pháp y tế cũng cần được duy trì trong bối cảnh mở cửa trường học và gỡ bỏ hạn chế nhập cảnh.

Theo WB, chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế mới có thể được nâng cao bằng cách bổ sung thêm các biện pháp đảm bảo xã hội nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Ngoài ra, để đảm bảo Chương trình có tác động đến nền kinh tế như kỳ vọng, công tác triển khai cần được theo dõi chặt chẽ. Quan điểm thận trọng với khu vực tài chính nên được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng có khả năng đã tác động đến chất lượng danh mục của ngân hàng và có thể có tác động lan tỏa từ việc tăng lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ dự kiến sẽ thực hiện.