Kinh tế vĩ mô

WB: Tình hình kinh tế Việt Nam đang tiếp tục được cải thiện

Cập nhật mới của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng kinh tế Việt Nam đang cải thiện, nhưng cần chính sách thận trọng và nhanh chóng để bảo đảm đà tăng trưởng.

Theo bản tin Cập nhật Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2021 của Ngân hàng Thế giới (WB), được công bố ngày 13/12, tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục được cải thiện, với chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng bán lẻ hàng hóa - dịch vụ và kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, với việc số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh, WB cũng cho rằng cần có chính sách phù hợp để tránh phải áp dụng các biện pháp giãn cách mới. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5% trong tháng 11 so với tháng trước và vượt cùng kỳ năm trước, một phần nhờ các hoạt động kinh tế được khôi phục ở các tỉnh thành phía Nam, bao gồm cả ở Thành phố Hồ Chí Minh (tăng 13,3% so tháng trước). Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đạt mức 52,2 trong tháng 11, tương đương với tháng 10 và cho thấy tiếp tục có sự cải thiện về tình hình kinh tế.

Chỉ số sản xuất công nghiệp, thay đổi theo %. Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2% trong tháng 11 so với tháng 10, nhờ nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi các biện pháp giãn cách xã hội, nhưng cũng phục hồi mạnh mẽ hơn sau khi các biện pháp này được gỡ bỏ.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 45% trong tháng 11 (so tháng trước), tháng tăng thứ hai kể từ tháng 5, trong khi số lượng doanh nghiệp rút lui tăng với tốc độ chậm hơn, dẫn đến số doanh nghiệp gia nhập ròng tăng. Cải thiện chung về tình hình đăng ký doanh nghiệp có thể nhờ giảm được những chậm trễ trong hoạt động đăng ký thành lập mới và giải thể doanh nghiệp, cùng với đó là tình hình kinh tế cải thiện. 

Số liệu doanh nghiệp gia nhập, rút lui và trở lại hoạt động (nghìn doanh nghiệp). Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã đạt mức cao kỷ lục 31,9 tỷ USD vào tháng 11, cùng với đó là thặng dư thương mại đạt 1,3 tỷ USD trong cùng tháng. Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam xuất siêu 1,46 tỷ USD. Xuất khẩu đạt kết quả vững chắc có thể do các hoạt động chế biến, chế tạo được khôi phục, nhất là ở các ngành hàng công nghệ cao.

Thương mại hàng hóa của Việt Nam (tỷ USD). Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Giá nhiên liệu tăng đã khiến lạm phát tăng nhẹ 0,3% trong tháng 11. Tuy nhiên, giá lương thực, thực phẩm vẫn theo xu hướng đi xuống, giảm 0,2% so với tháng trước nhờ chuỗi cung ứng được duy trì ổn định. 

Về cân đối ngân sách, thặng dư ngân sách đạt 45,4 nghìn tỷ đồng (2,0 tỷ USD) trong tháng 11, nâng tổng thặng dư năm 2021 lên mức 120,3 nghìn tỷ đồng (5,2 tỷ USD). Tổng chi ngân sách tăng 9,4% trong tháng 11 (so cùng kỳ năm trước), lần tăng đầu tiên kể từ tháng 4/2021, nhờ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Mặc dù vậy, tổng chi ngân sách trong 11 tháng đầu năm vẫn thấp hơn 7,4% so cùng kỳ năm trước và đạt 75,2% dự toán.

Khuyến nghị của WB cho rằng với việc thực thi chính sách sống chung với Covid-19, các cấp có thẩm quyền phải tiếp tục thận trọng và hành động nhanh chóng nhằm giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng và kinh tế. Về chính sách tài khóa, trong thời gian tới, rõ ràng cần hỗ trợ thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân để giúp khôi phục kinh tế trong nước và đóng góp cho tăng trưởng.