Kinh tế vĩ mô

WB: Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, tuy còn khó khăn về lạm phát

Ngân hàng Thế giới cho rằng với diễn biến giá cả tăng, Việt Nam cần chính sách điều chỉnh tác động giá trong ngắn hạn và cải cách để thích nghi trong trung hạn.

Bản tin Cập nhật Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố cho thấy kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phục hồi, tuy gặp phải nhiều trở ngại từ lạm phát và tỉ giá thương mại.

GDP quý 1/2022 tăng trưởng 5,0% (so cùng kỳ năm trước), tương đương với tốc độ tăng trưởng trong quý 4/2021, nhưng vẫn thấp hơn 2% so với tốc độ trước đại dịch. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng lần lượt 6,4% và 4,6% so với cùng kỳ 2021. 

Đóng góp vào tăng trưởng GDP Việt Nam, theo %. Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đạt được nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo từ khu vực kinh tế đối ngoại. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 3, tương đương với mức trước đại dịch. Các ngành năng động nhất bao gồm máy móc, thiết bị, điện tử, may mặc, giày da, và đồ uống đều đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.

Trong khi đó, tăng trưởng dịch vụ lại không đồng đều giữa các ngành: các ngành như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và thông tin truyền thông chống chịu tốt, trong khi ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn. 

Xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng lần lượt 14,8% và 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng trên một phần phản ánh giá hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu tăng do giá cả hàng hóa thế giới tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch; vấn đề càng trầm trọng hơn do xung đột Nga - Ukraine. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư 1,4 tỷ USD trong tháng 3/2022.

Thương mại hàng hóa của Việt Nam, tính theo tỷ USD. Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Trong khi đó, cán cân thương mại dịch vụ tiếp tục ghi nhận thâm hụt đáng kể ở mức 4,1 tỷ USD trong quý 1/2022 do doanh thu từ du lịch quốc tế - cấu phần chính trong xuất khẩu dịch vụ - chưa đáng kể khi Việt Nam mới mở lại biên giới quốc tế từ giữa tháng 3. 

Tỉ giá thương mại, được đo lường bằng chỉ số giá xuất khẩu (FOB) trên chỉ số giá nhập khẩu (CIF) giảm 3,1% (so cùng kỳ năm trước) trong quý 1/2022, tiếp tục diễn biến xấu từ quý 3/2021. Theo WB, xu hướng này phản ánh sự phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nước ngoài và tính dễ bị tổn thương của Việt Nam khi giá cả hàng hóa thế giới và hàng hóa trung gian tăng cao.

Tỉ giá thương mại so với cùng kỳ năm trước, theo %. Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 2,4% (so cùng kỳ năm trước), so với mức tăng 1,4% trong tháng 2. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 7 tháng, nhưng vẫn nằm dưới mục tiêu 4,0%. 

Giá xăng dầu tăng 13,4% so với tháng trước và 56,1% so với cùng kỳ năm trước do giá dầu thế giới tăng, góp phần đáng kể làm tăng chỉ số nhóm giá giao thông. Giá lương thực, thực phẩm cũng nhích lên sau khi tương đối ổn định trong năm 2021.

Chỉ số CPI theo % và đóng góp của các lĩnh vực. Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Tình hình thị trường lao động tại Việt Nam tiếp tục cải thiện, nhưng chưa phục hồi hoàn toàn sau đợt phong tỏa diện rộng vào quý 3 năm ngoái. Tỉ lệ thất nghiệp giảm còn 2,2%, tương đương mức trước đại dịch. Mặc dù vậy, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn chưa đạt mức được ghi nhận cùng kỳ năm trước và tỉ lệ thiếu việc làm vẫn cao ở mức 3,0%.

Vốn FDI đăng ký đạt 3,9 tỷ USD trong tháng 3/2022, tăng 35,2% so với tháng trước, nhưng thấp hơn 15,2% so với một năm trước. Vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do có một dự án điện khí hóa lỏng quy mô lớn trị giá 3,1 tỷ USD được cấp phép trong tháng 3/2021. 2/3  tổng số vốn đăng ký là đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh mới của các doanh nghiệp mới, bao gồm một dự án nhà máy sản xuất đồ chơi trị giá 1,3 tỷ USD.

WB cho rằng với bối cảnh giá tiêu dùng và giá sản xuất tăng, chính phủ Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước vì lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế. Trong ngắn hạn, cần có biện pháp can thiệp chính sách có mục tiêu để loại bỏ tác động của giá cả tăng. Về trung hạn, WB khuyến nghị cho phép nền kinh tế điều chỉnh và thích nghi với thay đổi giá cả nếu giá cả tiếp tục tăng kéo dài.