Kinh tế vĩ mô

WB dự báo những động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022 với tăng trưởng GDP đạt 5,5% và sau đó ổn định về mức khoảng 6,5% trong trung hạn.

Chiều 13/1, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa tổ chức công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam. 

Dự báo GDP Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 5,5%

Theo đánh giá của của WB, năm 2021, Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn. Mặc dù có khởi đầu thuận lợi vào quý 1, đợt bùng phát dịch Covid-19 kéo dài từ tháng 4 đã làm chệch quá trình phục hồi và để lại hậu quả nghiêm trọng về con người và kinh tế. GDP của Việt Nam ước tính chỉ tăng trưởng 2,58% trong năm 2021.

Trong năm 2022, WB đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ bật tăng trở lại từ 2,58% năm 2021 lên 5,5% năm 2022 và sau đó ổn định về mức khoảng 6,5%. Dự báo trên dựa trên giả định là đại dịch sẽ được kiểm soát cả trong nước và quốc tế. Trong trung hạn, nền kinh tế được dự báo chỉ bắt đầu quay về lộ trình tăng trưởng trước Covid vào năm 2023, khi nhu cầu trong nước phục hồi đầy đủ và không có các cú sốc mới.

Trong điều kiện như vậy kết hợp với nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại và dịch tễ, khu vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi phần nào khi nhà đầu tư và người tiêu dùng củng cố niềm tin vào năm 2022. Khách du lịch quốc tế cũng được kỳ vọng sẽ bắt đầu quay trở lại từ giữa năm 2022 trở đi, giúp cho ngành du lịch từng bước phục hồi. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu ổn định tại các nền kinh tế Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, do các quốc gia này tiếp tục tăng trưởng mặc dù với tốc độ chậm hơn.

Những dự báo của WB dựa trên giả định đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát trong và ngoài nước.

Chính sách tài khóa có thể sẽ được nới lỏng hơn, ít nhất trong nửa đầu năm 2022 vì Chính phủ đang cân nhắc ban hành gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mới vào đầu năm. Tuy nhiên, Chính phủ nên quay lại với củng cố tài khóa từ năm 2023.

Chính sách tiền tệ được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng dự kiến sẽ được gỡ bỏ từ giữa năm 2022. Chính sách tiền tệ sẽ quay lại cách tiếp cận an toàn nhằm cân đối giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, đồng thời cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của khu vực tài chính.

Lạm phát dự kiến vẫn được duy trì dưới chỉ tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, áp lực của sự bất cân đối cung-cầu liên quan đến đại dịch và giá cả hàng hóa tăng cao dự kiến sẽ dịu đi trong năm 2022 đặc biệt là nhờ nhu cầu trong nước dự kiến sẽ cải thiện dần trong năm 2022 và phục hồi đầy đủ vào năm 2023. 

Cán cân vãng lai được kỳ vọng sẽ đạt thặng dư ở mức nhỏ trong trung hạn nhờ kết quả xuất khẩu và dòng kiều hối tiếp tục xu hướng tăng trưởng vững chắc. Do xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu, nên thặng dư chỉ ở mức khiêm tốn, khoảng 1,5-2% GDP trong trung hạn. Kiều hối dự kiến đóng góp ổn định từ 18 tỷ USD đến 20 tỷ USD cho tài khoản vãng lai trong trung hạn.

Một số chỉ số kinh tế của Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng thế giới trong giai đoạn 2019–2023.

Báo cáo cũng chỉ ra nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là diễn biến chưa rõ ràng của đại dịch. Sự bùng phát của các biến thể mới có thể dẫn đến việc phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Nhu cầu trong nước yếu hơn kỳ vọng ​có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều đối tác thương mại của Việt Nam đang phải đối mặt với dư địa tài khoá và tiền tệ bị thu hẹp, có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của các nước này nếu cuộc khủng hoảng kéo dài. Điều này có thể làm chậm sự phục hồi toàn cầu và làm suy yếu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Phát triển thương mại xanh - Không còn thời gian để lãng phí

Theo WB đánh giá thương mại là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 2 thập kỷ qua, nhưng cũng là ngành có cường độ phát thải các-bon cao - chiếm một phần ba tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước và gây nhiều ô nhiễm.

Trong khi đó, các cam kết trong nước và toàn cầu về giảm khí thải nhà kính sẽ ảnh hưởng đến cả cung và cầu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Về cung, cơ cấu và giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều dễ tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu. Về cầu, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn và người tiêu dùng, với yêu cầu ngày càng cao về quy trình sản xuất, hàng hóa và dịch vụ, hướng tới xanh, sạch và thân thiện với môi trường hơn.

Việt Nam đã bắt đầu thực hiện giảm phát thải các-bon trong các hoạt động liên quan đến thương mại. Tuy nhiên, Việt Nam cần hành động quyết liệt hơn nữa để ứng phó với áp lực gia tăng từ các thị trường xuất khẩu chính, khách hàng và công ty đa quốc gia với yêu cầu những sản phẩm và dịch vụ phải xanh và sạch hơn.

Báo cáo khuyến nghị Chính phủ hành động trên 3 lĩnh vực: tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa và dịch vụ xanh, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh, và phát triển các khu công nghiệp có khả năng chống chịu tốt hơn và không phát thải các-bon.

Các cam kết trong nước và toàn cầu về giảm khí thải nhà kính sẽ ảnh hưởng đến cả cung và cầu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. 

Theo đó, hiện nay khung quy định chính sách của Việt Nam có nhiều các biện pháp phi thuế quan có thể gây cản trở giao thương hàng hóa, bao gồm những hàng hóa môi trường.

Do đó, cần phải rà soát quy định về những hàng hóa và dịch vụ đó, đồng thời so sánh với thông lệ tốt nhất trong khu vực và trên toàn cầu. Đồng thời, tìm hiểu cơ hội để hài hòa tiêu chuẩn hoặc theo đuổi hướng áp dụng quy định tương đương cho hàng hóa môi trường trong phạm vi các hiệp định thương mại hiện có như tại ASEAN và công nhận lẫn nhau về đánh giá tuân thủ và kiểm tra cho những sản phẩm đó nếu có thể. 

Về các dịch vụ môi trường: cùng các quốc gia khác theo đuổi phương án công nhận lẫn nhau bằng cấp về môi trường, nhằm hài hòa các thủ tục về thị thực và giấy phép làm việc cho chuyên gia môi trường.

Bên cạnh đó, các chính sách nhằm thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường cần được bổ sung bằng các hoạt động trong nước nhằm tăng cường năng lực sản xuất trong nước, nâng cao giá trị gia tăng trong nước cho hàng hóa môi trường, và hội nhập với các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất trong khu vực.

Theo báo cáo, Việt Nam nên nắm bắt những cơ hội liên quan đến tham gia các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP) và các chuỗi giá trị toàn cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh trong tất cả các sản phẩm xuất khẩu của mình. Việt Nam cũng nên nắm bắt cơ hội qua các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy các sản phẩm và dịch vụ môi trường cũng như phát triển năng lượng tái tạo.