Thế giới

Wagner tấn công vào NATO: Khả năng thực tế hay “đòn” tâm lý?

Mỹ đã ra thông điệp rõ ràng: Bất kỳ cuộc tấn công nào của Wagner vào NATO sẽ bị coi là cuộc tấn công của chính phủ Nga vào liên minh quân sự này.

Đã có nhiều đồn đoán về mối đe dọa do Wagner gây ra khi nhóm này đồn trú ở Belarus, quốc gia có đường biên giới chung với Ukraine và các quốc gia thành viên NATO là Ba Lan và Litva.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield hôm 31/7 cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Tập đoàn Wagner vào NATO sẽ bị coi là một cuộc tấn công của Nga vào liên minh quân sự này.

Tuyên bố trên được bà Thomas-Greenfield đưa ra trong khi nói chuyện với các phóng viên ở New York về nhiều vấn đề, bao gồm chấm dứt nạn đói, chống mất an ninh lương thực trong các cuộc xung đột và bảo vệ nhân quyền.

Khi được hỏi về sự hiện diện của lính Wagner ở gần biên giới Ba Lan và liệu bà có coi đó là mối đe dọa thực sự đối với NATO hay không, Đại sứ Mỹ nói: “Chúng tôi chắc chắn lo lắng rằng nhóm này, hành động theo lệnh của chính phủ Nga, là mối đe dọa cho tất cả chúng tôi”.

Vị quan chức Mỹ nhấn mạnh thông điệp rõ ràng: “Bất kỳ cuộc tấn công nào của Wagner vào NATO sẽ bị coi là cuộc tấn công của chính phủ Nga vào liên minh quân sự này”.

Lực lượng vũ trang Belarus huấn luyện cùng các chiến binh Wagner tại thao trường Brestsky, gần biên giới Ba Lan, tháng 7/2023. Ảnh: BelTA

Nỗi thấp thỏm

Việc Wagner tái triển khai quân ở Belarus sau cuộc binh biến thất bại hồi cuối tháng 6 đang được Ukraine, Ba Lan, Litva và các đồng minh phương Tây giám sát chặt chẽ.

Bản cập nhật tình báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Anh hôm 30/7 cho biết: “Vài nghìn quân Wagner và khoảng 300 lều và 200 phương tiện đã được phát hiện trong hình ảnh vệ tinh về doanh trại mới của họ ở Tsel, Belarus, cách thủ đô Minsk của Belarus khoảng 85 km về phía Đông Nam và cách biên giới Ukraine 230 km.

Ba Lan – quốc gia có chung đường biên giới với Belarus, vốn đã điều hơn 1.000 quân đến khu vực biên giới phía Đông để đề phòng – không khỏi thấp thỏm trước mỗi một động tĩnh của nhóm lính đánh thuê Nga.

“Chúng tôi có thông tin rằng hơn 100 lính Wagner đã tiến về phía Hành lang Suwalki, cách không xa Grodno ở Belarus”, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết trong một cuộc họp báo hôm 29/7.

Grodno là một thành phố nằm ở phía Tây Belarus, cách biên giới với các thành viên NATO là Ba Lan và Litva khoảng 15 km. Còn Hành lang Suwalki là một hành lang đất liền chiến lược hẹp chạy dọc biên giới Ba Lan-Litva, nối Belarus với vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga trên Biển Baltic.

Dải đất dài 65 km này có ý nghĩa chiến lược vô cùng lớn vì nếu Nga và Belarus có thể chiếm được nó thì vùng Baltic – bao gồm Litva, Latvia và Estonia – sẽ bị cô lập, gây nguy hiểm cho khả năng bảo vệ khu vực này của NATO.

Bản đồ cho thấy Hành lang Suwalki (Suwalki Gap) - Dải đất hẹp dài 65 km chạy dọc biên giới Ba Lan-Litva có ý nghĩa chiến lược. Đồ họa: Euronews

Ngoài ra, biên giới Ba Lan-Belarus từ vài năm nay vẫn là một nơi căng thẳng, sau khi một số lượng lớn người tị nạn và người di cư từ Trung Đông và châu Phi bắt đầu đến, tìm cách vào EU bằng cách đi qua Ba Lan, cũng như Litva.

Chính phủ Ba Lan cáo buộc Nga và Belarus sử dụng người di cư để gây bất ổn cho Ba Lan và các nước EU khác. Warsaw gọi việc lợi dụng vấn đề di cư là một hình thức chiến tranh hỗn hợp, và đã phản ứng bằng cách xây dựng một bức tường cao dọc theo một phần biên giới Ba Lan với Belarus.

Thủ tướng Ba Lan Morawiecki lưu ý rằng 16.000 nỗ lực vượt biên của người di cư từ Belarus đã được ghi nhận trong năm nay. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn “đẩy họ đến Ba Lan”, ông Morawiecki nói.

“Tình hình ngày càng trở nên nguy hiểm… Rất có thể họ (lính Wagner) sẽ cải trang thành lính biên phòng Belarus và giúp những người di cư bất hợp pháp đến lãnh thổ Ba Lan, và gây bất ổn cho Ba Lan”.

Ở Litva, Thứ trưởng Nội vụ nước này hôm 28/7 cảnh báo về khả năng quốc gia Baltic đóng cửa biên giới với Belarus cũng với mối lo ngại rằng Wagner có thể cải trang thành những người xin tị nạn đang cố gắng vượt qua biên giới chung giữa Belarus và các quốc gia thành viên EU hoặc thực hiện các hành động khiêu khích liên quan đến người tị nạn.

“Đòn” tâm lý

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ cuộc binh biến, đã nói rằng lính Wagner đang “gây căng thẳng cho ông ấy” bằng cách kêu gọi “một cuộc hành quân” vào Ba Lan.

“Nhưng tất nhiên, tôi sẽ giữ họ ở Belarus, như chúng ta đã thỏa thuận”, ông Lukashenko cho biết.

Bộ Quốc phòng Anh, trong bản cập nhật tình báo hôm 30/7, ủng hộ ý tưởng rằng đây hoàn toàn là một “đòn” tâm lý hơn là bất kỳ mối đe dọa thực sự nào.

Mặc dù “hàng trăm phương tiện đã đến khu căn cứ vốn trước đây hầu như trống rỗng”, nhưng hầu hết là “xe tải và xe buýt nhỏ cùng với một số phương tiện chiến đấu bọc thép”, bản cập nhật cho biết.

“Vẫn chưa rõ chuyện gì đã xảy ra với các thiết bị hạng nặng mà Wagner sử dụng ở Ukraine; có khả năng thực tế là họ buộc phải trả lại những thứ này cho quân đội Nga”.

Trong bài viết hôm 31/7, tờ Kyiv Post dẫn lời Tổng cục Tình báo (GUR) của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết rằng, các tay súng Wagner có thể “được sử dụng cho các hoạt động đặc biệt về thông tin và tâm lý”, chẳng hạn như giữ Ba Lan trong trạng thái luôn phải cảnh giác và gieo rắc nỗi sợ hãi, lo lắng.

Ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine, cũng cho rằng ý tưởng về một cuộc tấn công của Wagner nhằm vào một quốc gia NATO là rất không có triển vọng, tờ Kyiv Post cho biết.

Những lều trại trong căn cứ quân sự Tsel ở Osipovichi, một thị trấn cách biên giới Belarus-Ukraine 230 km về phía Bắc, có thể được dùng như trại dã chiến cho lính Wagner, ngày 7/7/2023. Ảnh: Getty Images

Theo tờ báo Ukraine, trong cuộc phỏng vấn với một nhà báo đối lập người Nga, Yulia Latynina, ông Podolyak đã bác bỏ những lời đe dọa từ lính Wagner nhằm vào Ba Lan, gọi chúng là “những trò đùa không hề vui”.

Ông Podolyak khẳng định rằng một cuộc tấn công như vậy là không khả thi vì nhóm Wagner kể từ sau cuộc nổi loạn vũ trang đã không còn như xưa.

Ngoài ra, nếu Wagner thực sự tấn công Ba Lan, điều này sẽ châm ngòi cho một sự cố quốc tế lớn. Về lý thuyết, nó có thể sẽ kích hoạt Điều 5 – Điều khoản nổi tiếng nhất trong Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể, với việc một cuộc tấn công chống lại một đồng minh được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các đồng minh.

“Nga luôn muốn chứng tỏ NATO chỉ là một con hổ giấy”, Tiến sĩ Stephen Hall, giảng viên về Chính trị Nga tại Đại học Bath (Anh), nói với trang Euronews. 

Nếu liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt không hỗ trợ đồng minh trong trường hợp bị tấn công – như nghĩa vụ phải làm – NATO sẽ “bị phá hủy hoàn toàn”, ông Hall nói.

Ông Hall cho rằng cũng có khả năng Ba Lan và các quốc gia đồng minh lân cận đang khuếch đại mối đe dọa do Wagner gây ra để nhận thêm sự hỗ trợ từ EU và NATO.

“Warsaw và Vilnius đương nhiên lo lắng rằng Nga, Belarus hoặc Wagner có thể gây rắc rối. Hiện tại, tôi nghĩ rằng đó là một điều cần dè chừng. Mọi thứ luôn có thể xảy ra”, vị chuyên gia kết luận.

Minh Đức (Theo Anadolu Agency, Kyiv Post, Euronews, Al Jazeera)