Tâm sự

Vượt qua cơn bĩ cực…

Hà Nội trở rét. Cái lạnh căm căm cùng giá buốt như đông đặc suy nghĩ, đông đặc cả trái tim của cô gái. 

Năm 2020 - một năm rất đẹp về số nhưng lại rất tệ về mọi điều. Tệ bởi lẽ, người người phải đối mặt với Covid, nhà nhà phải đối mặt với nền kinh tế suy giảm và những người làm nghề báo như cô phải suy nghĩ nhiều hơn đến cơm - áo - gạo - tiền. 

Sự thực là vậy, nhưng nhiều người không nghĩ vậy. Chị lao công tòa nhà thỉnh thoảng tám với mấy em báo chí, vẫn một lòng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với người làm báo: “Ôi, làm báo giàu thế các em nhỉ, toàn đi ô tô…”. Cô chỉ cười.

Tòa soạn Đời sống và Pháp luật. 

Cô gắn bó với tờ báo điện tử Người đưa tin từ những ngày mới ra trường, đến nay cũng 7 - 8 năm rồi. Nhưng quả thực, chưa bao giờ cô lại héo hon, thở dài nhiều đến vậy. Thu nhập giảm sâu trong khi tiền ngày càng mất giá. Mỗi lần ting ting là mỗi lần vui vui rồi lại buồn buồn. Bởi chỉ vừa nộp tiền nhà là đã chuẩn bị rơi vào trạng thái đói. Cô bỗng thấy mình hèn ghê gớm. Hèn khi suy đi tính lại mỗi lúc muốn mua một món đồ. Hèn khi đắn đo nhận một kèo hẹn. Hèn khi cả năm rồi, chả biếu được bố mẹ ở quê mấy đồng…

Đầu cô lúc này, bỗng vang lên lời bài hát vui nhộn mà cũng đầy cơ cực... rồi thốt lên: Ôi! Sao nó giống mình thế!

“Lương thì chưa kịp tăng

Xe thì hết cả xăng 

Mong chờ bao mùa trăng mà mút mùa cò không tiến

Ăn thì không phải lo

Trăm ngàn thứ phải lo

“Tết đến ơi rồi, ôi rồi ôi các anh mình ơi 

Toang đến nơi rồi, ôi rồi ôi các em mình ơi”

Ừ, nhưng riêng gì mình đâu. Cậu bạn xưa nhịn ăn nhịn tiêu xài hàng hiệu giờ đến cơ quan hỏi vay đồng nghiệp từng trăm một để xoay sở qua ngày. Một anh chàng đồng nghiệp khác vốn mang vẻ mập mạp trường tồn, khó có điều gì làm xoay chuyển cân nặng nay bỗng xách quần liên tục… Kể cả các sếp, tất cả anh chị em trong cơ quan cũng đang oằn mình chống đỡ với Covid. Ai cũng có sự vất vả riêng. 

Hàng trăm lý do tiêu cực cứ nối tiếp nhau sinh sôi nảy nở làm cô có lúc kiệt sức. Những lúc như thế này, bình tĩnh là một loại năng lực và cô đã kịp sử dụng nó.

Cuộc đời mà! Tụi trẻ trâu (trong đó có cô) vẫn hay nói thế. Tránh sao được những lúc khó khăn, bế tắc. Cô tự động viên mình vậy, rồi động viên cả những người hay kể lể với mình. Ít ra, cô và đồng nghiệp vẫn có lương, vẫn có tiền đóng tiền nhà, vẫn ăn uống một cách cơ bản… Thế là hơn khối người trong mùa Covid này rồi.

Sẽ không có chiến dịch “pay to quit” nào ở đây. Sẽ không ai trả cho bạn 5.000 USD để bạn mạnh dạn đi tìm một chân trời mới như vị CEO Amazon từng làm. Nghĩ vậy, cô niệm chú: Những lúc muốn dừng lại, hãy nghĩ đến lý do mình muốn bắt đầu. Và nó quả thực có hiệu quả.

Cô đã từng rất yêu nghề báo. Những ngày mới ra trường, có khi 3 tháng trôi qua chưa nhận được nhuận, tiền phải xin bố mẹ nhưng chúng tôi vẫn cháy hết mình, chẳng chút toan tính. 

Cô đã từng có những ngày rong ruổi khắp các tỉnh thành để lấy tin. Cái việc vừa ăn đã đi, vừa đi vừa ăn thậm chí còn khiến cô - một đứa vô cùng khoa học trong ăn uống bị đau dạ dày. Đổi lại, chả bao giờ cô phải than thở về mỡ bụng - thứ xâm chiếm cơ thể cô khi chuyển sang làm biên tập, xuất bản.

Cô - đã cùng một cô bạn đồng nghiệp “chi tiêu” tuổi trẻ của mình ở Hà Giang, giúp bà con Lũng Táo “giải quyết” vấn nạn ăn chặn học đường. Đến giờ, những người liên quan đã phải vào tù, còn bức thư đồng bào nơi ấy gửi đến với những lời cảm ơn mộc mạc thì vẫn còn mãi. Những thứ đó, vốn không “hoành tráng” như các loạt bài điều tra gây chấn động của đồng nghiệp… nhưng với cô, nó là cả một thời tuổi trẻ hoa lửa trên mặt trận chữ nghĩa. 

Vậy vấn đề ở đây là gì? Cách duy nhất là sống với nó và vượt qua nó. Hay nói một cách đầy sắc màu là: “Làm gì mà phải  hốt”. 

Dịch bệnh rồi sẽ hết, cơn bĩ cực rồi sẽ qua đi thôi. Điều quan trọng nhất là giữ vững tinh thần, cùng nhau chiến đấu. Trái ngọt không ở ngay trước mắt. Sau những ngày nằm gai nếm mật chờ thời cơ, chúng ta đợi ngày tạp chí Đời sống & Pháp luật bước sang trang mới... Tuổi 20 mãi xanh!!!

Mộc Miên