Kinh tế vĩ mô

Vượt khó mùa dịch, ngành dệt may duy trì tăng trưởng 11,2% năm 2021

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang tăng tốc sản xuất để nhanh chóng phục hồi sau thời gian dài bị đình trệ vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Sáng 7/12, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tổ chức họp báo công bố chương trình Hội nghị tổng kết 2021 sẽ diễn ra vào ngày 17/12 tới đây.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS chia sẻ, sự kiện sắp tới nhằm nhìn nhận, đánh giá các hoạt động của ngành và của VITAS trong năm 2021; đề ra các công việc và giải pháp cần thiết mà doanh nghiệp hội viên và VITAS cần tập trung thực hiện trong chiến lược phát triển của ngành giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn tới năm 2030.

Dự kiến, chương trình được tổ chức dưới 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.Hồ Chí Minh, với sự tham gia của các lãnh đạo bộ, ngành, các học giả, chuyên gia kinh tế và lao động, cùng hơn 500 doanh nghiệp hội viên.

Đại diện VITAS cho biết, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt từ quý II đến quý III năm 2021 ngành dệt may phải chịu sự ảnh hưởng nặng nề do sự bùng nổ rất mạnh của đại dịch từ Bắc vào Nam khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã vượt lên khó khăn để duy trì đà tăng trưởng tương đối ổn định.

Dẫn báo cáo từ VITAS, trong 9 tháng, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc, đạt 21,7 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 5,4% so với cùng kỳ 2019. Các mặt hàng xuất khẩu vải đạt 1,8 tỷ USD tăng 37,4%; xuất khẩu xơ sợi đạt 4 tỷ USD tăng 56,2%; xuất khẩu vải không dệt đạt 557 triệu USD tăng 77,3%;...

Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu 9 tháng năm 2021 ước đạt 18 tỷ USD tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, 9 tháng ngành dệt may đã xuất siêu 11 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Dệt may, kết quả 9 tháng năm 2021 của ngành vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2020 và gần bằng năm 2019. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian các doanh nghiệp dệt may trải qua nhiều khó khăn.

Cụ thể, từ đầu quý III/2021 đến nay là thời gian cực kỳ khó khăn với các doanh nghiệp với tình hình dịch kéo dài tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã làm nhiều doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, phải giao hàng chậm, giao hàng bằng máy bay hoặc bị khách hàng hủy đơn hàng gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Theo nghiên cứu của VITAS, có những doanh nghiệp trên 1000 nhân công phải chi ra thêm tới 2,2 tỷ đồng/tuần để có thể duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm dịch bệnh hoành hành.

Nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam cố gắng bố trí sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” hoặc phương án sản xuất “4 xanh” nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng từ 10-30% số lao động đi làm với chi phí tốn kém hơn nhiều so với bình thường. Tổn thất không những về kinh tế mà cả uy tín đối với khách hàng.

Năm 2021, ngành dệt may ước tính xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Đây là nỗ lực của toàn ngành trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại.

Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng sẽ vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường do có sự xuất hiện của biến chủng Omicron đe dọa đến sự phát triển ổn định của ngành.

Mặc dù vậy, ngành dệt may Việt Nam đang ghi nhận một số tín hiệu tích cực. Theo đó, các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc,... đã mở cửa trở lại. Cùng với đó là nguồn nhân công lao động dồi dào luôn sẵn sàng quay lại làm việc, nguồn cung ứng nguyên vật liệu cũng đã được lưu thông.

Năm 2023, trên cơ sở tình hình diễn biến dịch bệnh và sự triển khai quyết liệt, thống nhất Nghị quyết 128/CP-NQ của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương, VITAS xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng.

Thứ nhất, theo kịch bản tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 – 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022.

Thứ hai, kịch bản trung bình đạt 40 – 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm 2022.

Cuối cùng là kịch bản thấp nhất đạt 38 – 39 tỷ USD, trong trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp kéo dài đến cuối năm 2022 .

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS phát biểu tại họp báo.

Phía VITAS cho biết để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, hiệp hội sẽ tiếp tục kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may ổn định sản xuất kinh doanh, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS cho rằng, bên cạnh việc tự cứu mình là chính, các doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để vượt qua đại dịch. 

Theo đó, VITAS đề nghị nhà nước cho phép doanh nghiệp bố trí làm thêm giờ theo tháng cao hơn quy định 40 giờ/tháng của pháp luật và không vượt quá 300 giờ/năm để doanh nghiệp có thể bố trí sản xuất giải quyết các đơn hàng tồn đọng sau dịch, hoặc nhận thêm đơn hàng hỗ trợ các doanh nghiệp ngừng sản xuất. Kiến nghị này đã được Chính phủ chấp nhận và đã đem lại những tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp dệt may.

Ngoài ra, Nhà nước tập trung hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền để tránh cho doanh nghiệp không rơi vào tình trạng đứt thanh khoản.

Ngoài ra, VITAS đã phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng kiến nghị nhiều cơ chế chính sách nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 như: cùng kiến nghị về vấn đề vaccine, vấn đề thay đổi cách phòng chống dịch phục hồi kinh tế, chống ách tắc trong khâu vận tải; về tháo gỡ các cơ chế chính sách đang là rào cản cho doanh nghiệp như những bất cập của dự thảo Nghị định hướng dẫn luật Bảo bệ môi trường, Bảo hiểm xã hội..