Kinh tế vĩ mô

Vượt "đêm trường" Covid, thương mại Việt Nam phục hồi trở lại

Trong 11 tháng vừa qua, cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 225 triệu USD và đang tiếp tục có những dấu hiệu tích cực trong những tháng cuối năm.

Theo Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 11 tháng do Bộ Công Thương công bố, cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 tiếp tục có sự cải thiện khi ước tính xuất siêu 100 triệu USD (tháng 10 xuất siêu 2,85 tỷ USD). Tính chung 11 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 225 triệu USD (10 tháng xuất siêu 160 triệu USD). 

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi ta đang khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế.

Vượt khó, xuất khẩu tăng 17,5% trong 11 tháng

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tiếp đà phục hồi từ tháng 10, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tiếp tục có sự tăng trưởng do nhu cầu tăng trong dịp cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước tính đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước (tháng 10 tăng 6,8% so với tháng 9) và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu tháng 11 tăng thấp hơn so với tháng trước chủ yếu do nhiều mặt hàng trong nhóm nông sản xuất khẩu giảm như: thủy sản, cà phê, chè, gạo, nguyên nhân do mới quay lại sản xuất nên các doanh nghiệp chưa khôi phục 100% công suất và thiếu hụt nhân công.

Trong khi đó nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu giảm như: máy vi tính, linh kiện điện tử, điện thoại, máy ảnh, máy quay phim... cũng đã ảnh hưởng nhiều đến mức tăng xuất khẩu của tháng.

Trong 11 tháng, kinh ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước tính đạt 25,19 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,5%).

Xét về nhóm hàng và mặt hàng xuất khẩu, trong 11 tháng, kinh ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước tính đạt 25,19 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020 do sự gia tăng cả về lượng và giá xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản.

Đối với nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2020 chủ yếu là do sự gia tăng trong xuất khẩu than đá và xăng dầu các loại.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 257,95 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước (10 tháng tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước) chủ yếu do sự trở lại hoạt động của các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam sau hơn 3 tháng dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid -19.

Chỉ có số ít mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, như: túi xách, vali, mũ, ô dù ước đạt 2,66 tỷ USD, giảm 5,4%; Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, giảm 0,4%.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 11 ước tính đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng trước đó (kim ngạch nhập khẩu tháng 10 giảm 1,7% so với tháng trước). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,6 tỷ USD, tăng 14,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 ước tăng 20,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 20,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 20,9%.

Nhập khẩu tăng cao vào những tháng cuối năm do khôi phục SX nên các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ SX. Bên cạnh đó nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng cao phục vụ các dịp noel và đón năm mới.

Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 299,44 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 103,31 tỷ USD, tăng 23,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 196,14 tỷ USD, tăng 29,9%.

Về nhóm hàng nhập khẩu, do sự hoạt động trở lại của nhiều doanh nghiệp sản xuất nên kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng cần nhập khẩu trong tháng 11 ước tính đạt 26,47 tỷ USD, tăng 13,2% so với tháng trước.

Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này ước tính đạt 265,96 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 88,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm này trong 11 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước như: hạt điều tăng 153%; lúa mỳ tăng 98%; quặng và khoáng sản khác tăng 118,4%; dầu thô tăng 31,2%; xăng dầu các loại tăng 25,4%; khí đốt hóa lỏng tăng 72,4%; nguyên phụ liệu dệt may da giầy tăng 18,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 39,9%; dây điện và cáp điện tăng 21,4%...

Đối với nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu, trong 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này ước đạt 18,01 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng 17%; bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 29,5%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 41,9%, Phế liệu sắt thép tăng 70,3%; Đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 61%...

Kim ngạch nhập khẩu dầu thô tăng 31,2% trong 11 tháng vừa qua. 

Về thị trường nhập khẩu, trong 11 tháng năm 2021, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,52 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 32,89% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Tiếp theo là các thị trường gồm: Hàn Quốc đạt 50,32 tỷ USD, tăng 20,3%; ASEAN đạt 36,96 tỷ USD, tăng 36,1%; Nhật Bản đạt 20,27 tỷ USD, tăng 10,1%; EU đạt 15,53 tỷ USD, tăng 18,2%; Hoa Kỳ đạt 14.24 tỷ USD, tăng 14,6%.

Thị trường trong nước nhộn nhịp trở lại 

Cũng theo Báo cáo, thị trường trong nước đã nhộn nhịp hơn, tại một số địa phương, nhiều chợ truyền thống được dần hoạt động trở lại với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Chẳng hạn tại tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 19/11 đã 71,62% chợ truyền thống và 100% siêu thị hoạt động trở lại... Các hoạt động đi lại, lưu thông, phân phối hàng hóa được thuận lợi, thông suốt hơn; dịch vụ kinh doanh ăn uống mang về hoặc bán tại chỗ (tùy từng địa phương) cũng được hoạt động trở lại.

Trong tháng 11 nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung, ngày mua sắm black friday đã được tổ chức tại nhiều địa phương, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc làm giảm, thu nhập giảm nên nhu cầu mua sắm chưa thể tăng trở lại như những năm trước khi có dịch.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 ước tính tăng 6,2% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước

Do tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong những tháng trước đó, đã ở mức thấp (tăng trưởng âm), nhất là trong các tháng 5,6,7,8 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là các địa phương lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của các địa phương này chiếm tỷ trọng 50-60% của cả nước) nên tính chung 11 tháng năm 2021, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 11 tháng, bán lẻ hàng hóa vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, ước tính chiếm 83,1%; lưu trú và ăn uống ước tính chiếm 8%; ngành du lịch chỉ chiếm 0,1% và các ngành dịch vụ khác chiếm 8,7%...