Sự kiện

Vướng thủ tục pháp lý, 2 bé có người thân vẫn phải vào trại mồ côi

Theo PGS.TS Trịnh Hoà Bình, mọi người đều mong cấp xã, cấp huyện linh động, có hướng giải quyết hợp lý để cuộc sống và tương lai 2 bé tốt hơn.

Bác ruột không đồng ý cho nhập khẩu

Liên quan đến vụ hai cháu bé bị bỏ rơi trên đê sông Hồng giữa trời đông giá rét, ngày 13/1, lãnh đạo UBND phường Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội) xác nhận hai cháu bé là bé gái Q.A sinh năm 2016, bé trai tên N. sinh năm 2018 bị bỏ rơi trên đê sông Hồng (địa phận xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội) từng sinh sống với mẹ và ông ngoại ở phường Yên Phụ.

Theo đó, khi mẹ ruột và ông ngoại qua đời, người bác ruột của các cháu là ông B.A.V. (trú tại phường Yên Phụ) không đồng ý cho chúng nhập khẩu vào sổ hộ khẩu của gia đình.

Về việc bà Lê Thị Bích (người phát hiện hai bé bị bỏ rơi) muốn xin nhận các cháu làm con nuôi, lãnh đạo UBND xã Lê Lợi (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, việc làm thủ tục giao nhận con nuôi sau 15 ngày theo quy định của pháp luật khó có thể thực hiện được.

"Bà Bích rất khó để có thể nhận các cháu làm con nuôi bởi các cháu không có sổ hộ khẩu để nhập khẩu. Chính vì không nhập khẩu được nên trước đó nhà chùa phải trao trả cho người bác. Giờ chỉ còn mỗi biện pháp là gia đình bác ruột của hai cháu cho các bé nhập khẩu vào cùng, thì sau này mới có thể làm thủ tục chuyển khẩu, nhận con nuôi. Nếu không, trại trẻ mồ côi sẽ là nơi đón nhận hai đứa trẻ tội nghiệp", vị lãnh đạo thông tin. 

Hai cháu bé là chị em ruột bị bỏ rơi trên đê sông Hồng giữa thời tiết giá rét.

Vị này cho hay, dù hoàn cảnh của các cháu rất đáng thương nhưng đơn vị vẫn phải làm theo quy định của pháp luật, tránh sau này thành tiền lệ. Khi hết thời gian 15 ngày (kể từ ngày phát hiện cháu bé bị bỏ rơi) đơn vị sẽ báo cáo UBND huyện về vụ việc để có chỉ đạo phương án tiếp theo.

Còn nhiều vướng mắc khi nhận con nuôi

Nhìn nhận sự việc, luật sư Nghiêm Quang Vinh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay, luật pháp Việt Nam đã quy định rõ về luật việc nhận con nuôi được quy định tại luật Nuôi con nuôi 2010 và luật Hôn nhân và Gia đình.

“Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, hiện mẹ, ông, bà ngoại của hai cháu bé đã mất, điều này khiến các cháu trở thành những đứa trẻ không nơi nương tựa. Tôi nghĩ rằng, việc người bác chối bỏ không muốn nhận có thể liên quan đến vấn đề thừa kế tài sản sau này”, luật sư Vinh nói.

Đồng tình quan điểm, theo luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) trên thực tế có nhiều trường hợp muốn nhận con nuôi lại gặp phải những vướng mắc nhất định. Bởi, theo quy định thì cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi sống tại gia đình; cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi sống tại cơ sở nuôi dưỡng. Người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú. Song có những cháu bé lại không có hộ khẩu thường trú nên sẽ vướng mắc trong quá trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ.

Điều 8 và Điều 9 Nghị định 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ đã quy định chi tiết một số Điều của Luật nuôi con nuôi. Trong đó, có quy định về việc nếu người được nhận làm con nuôi không có hộ khẩu thường trú thì sẽ không có căn cứ để xác định lấy hồ sơ ý kiến từ cơ quan có thẩm quyền nào và việc hoàn thiện thủ tục nhận nuôi con nuôi là không thể.

Do đó đối với trường hợp mà trẻ bị bỏ rơi, mồ côi dù có người nhận nuôi nhưng mà không đủ hồ sơ, điều kiện để hoàn thiện thủ tục nhận nuôi con nuôi theo quy định pháp luật thì UBND xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi sẽ lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng.

Cần có sự linh động

Nhìn nhận sự việc, chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hoà Bình cho rằng, pháp luật của chúng ta quy định về việc nhận nuôi trẻ mồ côi từ lâu nay đã không hề đơn giản, lằng nhằng về mặt thủ tục.

“Rõ ràng trong trường hợp này, mọi người đều mong cấp xã và cấp huyện linh động và đề xuất hướng giải quyết có lý, có tình để cuộc sống và tương lai của hai bé được tốt hơn”, ông Bình nói.

PGS.TS Trịnh Hoà Bình cho rằng, trong trường hợp này, lãnh đạo xã và huyện cần có sự linh động cho phù hợp.

Theo ông Bình, khi nhìn nhận sự việc này, cũng phải nhìn thấy rằng, người bác ruột có thái độ không muốn nhận nuôi vì hoàn cảnh gia đình và nhiều lý do khác. Đó chính là điểm mấu chốt gây khó khăn. Bởi, khi gia đình bác ruột cho các bé nhập khẩu vào cùng, thì sau này mới có thể làm thủ tục chuyển khẩu, nhận con nuôi.

“Pháp luật thì luôn cứng nhắc, nhưng chúng ta cũng phải nhìn vào thực tế rằng, trong khoảng thời gian ngắn như vậy, các cháu sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều người xa lạ, mất nhiều thời gian để làm quen với con người, với môi trường sống. Điều này dễ ảnh hưởng đến tâm lý của các cháu. Tôi cho rằng, chính sách cần có sự linh động và phù hợp”, PGS.TS Trịnh Hoà Bình nhìn nhận.