Xi nhan Trái Phải

“Vương quốc” của kẻ tâm thần và sự lạ lùng ở một bệnh viện

Phòng bệnh trở thành “động lắc”. Bệnh nhân tâm thần điều hành mạng lưới phân phối ma tuý chẳng khác bố già mafia. Bác sĩ bỗng hoá người “khuyết tật” vì chẳng nghe cũng chẳng thấy bất cứ điều gì. Đó là chuyện đã xảy ra ở bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Phòng bệnh trở thành “động lắc”. Bệnh nhân tâm thần điều hành mạng lưới phân phối ma tuý chẳng khác bố già mafia. Bác sĩ bỗng hoá người “khuyết tật” vì chẳng nghe cũng chẳng thấy bất cứ điều gì. Đó là chuyện đã xảy ra ở bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Cái sự lạ của bệnh viện Tâm thần Trung ương I nằm ở 5 cái có, 6 cái không và những điều lạ lùng của bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý.

Nhắc đến đồng hồ, người ta nghĩ đến việc xem giờ. Nhắc đến trường học người ta nghĩ đến việc trang bị kiến thức. Và đương nhiên, khi nhắc đến bệnh viện người ta nghĩ đến chuyện chữa bệnh, gieo mầm sự sống. Ấy thế nhưng, ở bệnh viên Tâm thần Trung ương I lại tồn tại 5 cái có chẳng liên quan đến chức năng gắn với nó cả trăm năm nay. Ở bệnh viên ấy, có “động lắc” với phòng cách âm, có trang thiết bị phục vụ việc sử dụng ma tuý tại chỗ, có ma tuý, có mại dâm và có “ông trùm ma tuý”. Trong một bệnh viện tâm thần, 5 cái có này quả là quái đản.

Đâu chỉ lạ về 5 thứ có, ở đây người ta còn kinh ngạc vì những cái không. Mặc dù là bệnh viện nhưng bệnh nhân không được chữa bệnh. Bác sĩ được chỉ định điều trị nhưng không điều trị. Bệnh nhân làm chuyện đủ việc lạ lùng nhưng bác sĩ không biết. Giám đốc bệnh viện không thấy bất thường, không biết sự việc, không chịu trách nhiệm. Trong một bệnh viện tâm thần, 6 cái không này quả là dị hợm.

Không chỉ lạ ở 5 thứ có và 6 thứ không, bệnh viện Tâm thần Trung ương I còn trở thành tâm điểm vì cái sự lạ lùng đến không thể hiểu của bệnh nhân. Bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý nhập viện để điều trị bệnh, nhưng y không uống thuốc mà bán ma tuý. Phòng bệnh được Quý cải tạo thành “động lắc” với âm ly, đèn chiếu, đèn nháy. Căn phòng của Quý nằm trong khu VIP và không ai được phép vào, trừ khi gã cho phép. Ngoài giờ hành chính, Quý “bay, lắc” ngay tại phòng bệnh viện. Trong giờ hành chính, Quý ra ngoài thuê phòng để “bay, lắc”, bằng chứng là gã bị các trinh sát Đội 7 bắt trong một khách sạn ở quận Hai Bà Trưng.

Nguyễn Xuân Quý cùng tang vật.

Quý được các bác sĩ xác định là bệnh nhân tâm thần và đang được điều trị, nhưng y lại điều hành mạng lưới phân phối ma tuý tinh vi không khác gì một bố già mafia. Quý thiết lập một vương quốc của riêng mình trong bệnh viện. Quả là lạ lùng.

Với những cái có, cái không và cái lạ lùng ấy, bệnh viện Tâm thần Trung ương I khiến dân tình sôi sục. Đã vài ngày qua đi kể từ khi vụ việc được công khai nhưng cái sự sôi sục vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà ngược lại, càng bóc tách dư luận càng sục sôi.

Quý sai đã rõ mười mươi. Cái sai của Quý pháp luật sẽ trừng trị. Nhưng, có những cái sai khác quan trọng hơn, cốt yếu hơn, nguy hiểm hơn lại đang bị đùn đẩy từ người nọ sang người kia. Và, dư luận ngao ngán kiểu “chơi bóng” của họ!

Quý điều hành một mạng lưới phân phối ma tuý tinh vi nhưng bác sĩ điều trị không biết, giám đốc bệnh viện không hay. Trong tất cả những cái vô lý trên đời thì cái sự không biết của các vị là vô lý nhất.

Phòng bệnh được Quý cải tạo để cách âm, đèn nháy được chuyển từ ngoài vào; khu bệnh VIP chỉ bác sĩ có chìa khoá nhưng Quý có riêng một bộ; “bay, lắc” tổ chức tại chỗ nhưng các vị ngồi đó mà không biết… Với ngần ấy cái bất thường mà các vị không hề hay biết thì đúng là vô tiền khoáng hậu.

Trong các vị ngồi đó, người ta dành nhiều sự quan tâm cho ông giám đốc. Ông được quan tâm, vì ông cũng lạ lùng chẳng kém bệnh nhân – tội phạm Quý.

Thưa ông, ông không chỉ là bác sĩ mà còn là nhà quản lý. Ông không chỉ mang cái đức của nghề cứu người mà còn mang cái tầm của người điều hành. Nhưng… lại không biết gì cả. Ông không hay cái chuyện tày đình đang có ở nơi mình quản lý. Vậy, ông có chuyên môn, có chức, có danh, có lương để làm gì?

Thế nhưng, vấn đề của ông giám đốc chưa dừng lại ở đó. Khi sự việc bị phát lộ, cái lý ông đưa ra là không thấy, không biết nên không chịu trách nhiệm. Một thái độ vô trách nhiệm đến kinh ngạc. Cũng hiểu cho ông, quản lý một bệnh viện tâm thần cỡ trung ương, ông sẽ có trăm thứ việc phải lo, thiếu sót là điều không tránh khỏi. Vẫn nói, đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại, nhưng với ông người ta không thể hiểu, không thể cảm thông, ông có biết tại sao không? Đó là vì ông nhất định không chịu trách nhiệm.

Vụ việc liên quan đến Nguyễn Xuân Quý tại bệnh viện Tâm thần Trung ương I gây rúng động dư luận.

Làm quản lý, ông không biết cấp dưới đang làm gì là một cái sai. Khi cái sai bị phát lộ, ông nhất định không nhận trách nhiệm là một cái sai khác. Thân làm quản lý, ông quyết đổ lỗi cho cấp dưới lại là cái sai nữa. Trong 3 cái sai này cái nào cũng tệ. Ấy thế nhưng, đến tận lúc này ông giám đốc vẫn chưa biết cái mình đã sai. Một thái độ thiếu tự trọng đến mức kinh ngạc.

Đất, nước, không khí cần cho sự phát triển của cây, không có nó cây không thể sống. Nhưng, đó chỉ là yếu tố cần. Yếu tố quan trọng hơn nằm ở chính cái cây. Các yếu tố cấu thành cây mới quyết định chuyện nó sống hay chết, còi cọc hay xanh tốt. Nếu ông giám đốc nhất quyết không nhận mình sai, nhất quyết không nhận trách nhiệm thì ai có thể cứu được ông?.

Với 5 cái có, 6 cái không và 3 cái sai ấy, bệnh viên Tâm thần Trung ương I quả là một bệnh viện lạ lùng.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

LÊ ANH