Kinh tế vĩ mô

Vướng mắc trong đầu tư công là do "chúng ta tự đem đá buộc chân mình"

Theo Bộ trưởng Tài chính, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công hiện có 2 vấn đề. Thứ nhất là trong công tác chuẩn bị đầu tư và thứ hai là trong việc thực hiện đầu tư.

Tại hội nghị toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân đầu tư công do Thủ tướng chủ trì sáng 21/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu quan điểm, cuộc họp hôm nay chúng ta giải quyết vấn đề khó khăn nhưng thực ra thì đang giải quyết "vấn đề thuận lợi". Bởi vì cái khó khăn nhất là không có tiền để làm, "đầu tiên là tiền đâu" mà bây giờ có tiền rồi mà không làm được.

“Những vướng mắc hiện tại là do "chúng ta là tự mình gây ra thôi, tự mình đem đá buộc chân mình thôi", còn thực ra mà nói thì những cái này thuộc thẩm quyền và những vấn đề chúng ta giải quyết”, Bộ trưởng nói.

Tư lệnh ngành Tài chính chỉ ra, vướng mắc hiện nay có 2 vấn đề. Thứ nhất là trong công tác chuẩn bị đầu tư và vấn đề thứ hai là trong việc thực hiện đầu tư.

Ông lấy ví dụ trong chuẩn bị đầu tư, quy định hiện hành là “khi có tiền thì mới được lập dự án đầu tư, thế thì khi chúng ta bố trí được tiền mới lập dự án đầu tư thì 2 năm sau mới giải ngân được”.

Để gỡ nút thắt này, ông Phớc cho hay đã kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án đầu tư khi cần thiết. Và khi được bố trí vốn đầu tư thì triển khai công tác thực hiện đầu tư sẽ không có vướng mắc gì cả. “Thế nhưng bây giờ chúng ta bố trí vốn xong mới lập dự án đầu tư thì vướng hết", ông nói.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: VGP).

Do vậy, Bộ trưởng Tài chính cho rằng các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc. Đồng thời, phải tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; kịp thời điều chỉnh các đơn giá cho phù hợp với thực tiễn để bảo đảm công trình có chất lượng bền vững,…

Về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng cho rằng, theo quy định, cấp tỉnh phê duyệt đơn giá. Tỉnh phải phê duyệt đơn giá, sau đó về các huyện thành lập các Hội đồng đền bù và phê duyệt các phương án đền bù. "Việc này tôi thấy không có vấn đề gì khó khăn hết", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Làm rõ thêm một số nội dung có liên quan và kiến nghị của các địa phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nêu rõ: Kết quả đạt được của năm 2022 rất tích cực với tỉ lệ giải ngân là 93,5%. 

Do vậy quan điểm của Bộ KH&ĐT rất mong muốn và đề nghị các Bộ, ngành địa phương tiếp tục phát huy những kết quả chúng ta đạt được trong năm 2022 và tiếp tục làm tốt hơn nữa trong năm 2023 với lý do năm 2023 tiền nhiều hơn, nhiệm vụ nhiều hơn nhưng cũng có thuận lợi là nhiều việc chúng ta đã giải quyết được trong năm 2022.

Liên quan đến một số kiến nghị vướng mắc về trình tự thủ tục vốn đầu tư công, kể cả công tác kế hoạch thực hiện dự án, cần phân biệt 2 nhóm. 

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương làm rõ thêm một số nội dung kiến nghị của các địa phương (Ảnh: VGP).

Thứ nhất là nhóm về công tác kế hoạch. Theo ông Phương, công tác kế hoạch cho đến nay đã được đổi mới rất nhiều, cải tiến nhiều và Bộ sẽ tiếp tục cùng với các Bộ, ngành địa phương để cải tiến tiếp.

Trước đây giai đoạn 2016-2020 và trước nữa thì quy trình kế hoạch là "2 lên 3 xuống, 5 quy trình" đến nay rút gọn chỉ còn "1 lên 2 xuống", rút đi rất nhiều nên không thể nói quy trình kế hoạch  vất vả nữa.

1 xuống đầu tiên là sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị về xây dựng kế hoạch hằng năm kèm theo thông báo kiểm tra vốn đầu tư công, sau đó các Bộ ngành xây dựng kế hoạch của mình và chỉ gửi đúng 1 lần lên, gửi để tổng hợp kế hoạch, sau khi trình sang Quốc hội, Quốc hội phê duyệt và Thủ tướng chỉ giao 1 lần xuống.

“Như vậy chỉ có 1 lần lên và 2 lần xuống. Điều này cho thấy công tác kế hoạch cơ bản được cải tiến tốt và tiếp tục được cải tiến hơn nữa”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Thứ hai, liên quan đến quy trình dự án. Luật Đầu tư công và Luật 03 vừa rồi lại tiếp tục phân cấp một cách triệt để và đến nay về cơ bản đối với các địa phương, các dự án trong nước, từ nhóm A đến nhóm C là thuộc thẩm quyền địa phương, Trung ương không có thẩm quyền trong quy trình này. 

Thứ trưởng cho hay, đối với dự án ODA chỉ có còn dự án nhóm A là phải lên Trung ương, còn B, C là phân cấp địa phương. Đối với dự án quan trọng quốc gia thì chúng ta không có nhiều. 

Theo Bộ KH&ĐT, quá trình phân cấp còn chưa đồng bộ, chưa đồng đều, nhiều địa phương phải kiến nghị về việc chuyển đổi đổi đất rừng, đất lúa. Theo quy định, chuyển đổi 1m2 rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn là phải trình Thủ tướng.

Liên quan đến quy hoạch tổng thể quốc gia, Quốc hội cũng đã phê duyệt nhưng hiện nay 41 hợp phần không thể giải ngân được. Lý do các Bộ ngành không phê duyệt thẩm định kết quả nghiên cứu của các hợp phần làm cơ sở để thanh toán, quyết toán vốn.

"Đề nghị các Bộ liên quan khi làm các hợp phần có các quyết định thẩm định thông qua hợp phần gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia. Mong muốn các Bộ ngành khẩn trương phê duyệt thẩm định kết quả để làm cơ sở thanh toán", Thứ trưởng nói.