Dân sinh

“Vùng xanh” duy nhất nơi Covid-19 “bất khả xâm phạm” ở Đà Nẵng

Trở thành “vùng xanh” duy nhất đã khó, giữ nó càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, khi mà chính quyền và nhân dân đồng lòng thì không gì là không thể.

Nỗ lực bảo vệ “vùng xanh”

Những ngày cuối năm, trời Đà thành đổ mưa nhè nhẹ. Cơn mưa Xuân càng khiến cung đường ven sông Cu Đê nối lên xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang thêm thướt tha, uyển điệu. Dòng Cu Đê xanh tươi bao đời che chở, nuôi lớn tâm hồn người con Hòa Bắc, nhưng cũng chính nó ngăn cách biến xã này trở thành rẻo cao duy nhất của Tp. Đà Nẵng phồn hoa.

“Từ trung tâm Thành phố thì mất phải 30 cây số mới lên tới xã. Chúng tôi cũng là xã cuối cùng của huyện Hòa Vang, nằm giáp với huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế”, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Hồ Phú Thanh tươi cười chia sẻ.

Theo lời ông Thanh, năm nay bà con địa phương đón Tết trong tâm thế hân hoan, tự hào. Cái tự hào nhất chính là thành quả của cả tập thể Đảng bộ và Nhân dân địa phương trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19. Hòa Bắc chính là “vùng xanh” duy nhất trong số 56 xã, phường Tp.Đà Nẵng khi trải qua hơn 2 năm chưa có F0 nào, có chăng chỉ là hơn 10 ca F1 là công nhân khu công nghiệp về.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân mọi mặt để họ an tâm tham gia vào công cuộc chống Covid-19.

“Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch, sản xuất, cùng giữ vững an toàn xã hội. Mỗi gia đình là lá chắn xanh. Mỗi khu dân cư là một pháo đài chống dịch. Ngay từ đầu mùa dịch, UBND xã Hòa Bắc đã xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai mô hình, với mục tiêu 100% người dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, những tháng cao điểm như tháng 8/2021, 100% đại diện các hộ gia đình được lấy mẫu xét nghiệm; đảm bảo tự cung, tự cấp 80% nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ khi giãn cách toàn xã hội…”, ông Thanh nói.

Để vận hành bộ máy phòng, chống dịch, UBND xã Hòa Bắc đã thành lập 7 tổ Covid-19 do các trưởng thôn làm tổ trưởng. Những lúc cao điểm dịch, xã sẽ cường 70% cán bộ, công chức không làm việc tại trụ sở xã để chủ động tham gia công tác phòng, chống dịch tại nơi cư trú theo phương châm “3 tại chỗ” là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở.

Chính sự biệt lập về địa lý phần nào giúp Hòa Bắc giữ được “vùng xanh”, nhưng nó cũng là khó khăn rất lớn. Đời sống của người dân Hoà Bắc chủ yếu thu nhập từ nông nghiệp và làm nương rẫy, chủ yếu “tự cung, tự cấp” nên còn rất khó khăn. Mỗi độ Tp.Đà Nẵng giãn cách xã hội theo phương châm “ai ở đâu thì ở đó” nhu cầu nhu yếu của người dân gặp khó khăn.

Chính quyền xã Hòa Bắc phải xây dựng tổ hậu cần thực hiện tổng hợp nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm cho người dân trong trường hợp cần thiết, đảm bảo 100% người dân có đủ lương thực, thực phẩm trong thời gian giãn cách.

Song song đó, để Hòa Bắc “luôn xanh”, chính quyền và người dân triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trên nguyên tắc “siết ngoài, soát trong”. Xây dựng phương án triển khai bảo vệ từng thôn, từng khu dân cư thành các vùng xanh an toàn, hướng tới xây dựng Hòa Bắc thành “hậu cứ xanh” an toàn cho huyện và thành phố.

“Siết sao không để xảy ra tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, gây khó khăn cho các hoạt động xã hội là cái vô cùng khó. Do đó,  xã đã thành lập 2 chốt kiểm soát tại thôn Phò Nam (đường ĐT601) và thôn An Định (đường ADB 5), 1 chốt cố định trên đường cao tốc La Sơn - Túy Loan. Các tổ, chốt thực hiện kiểm tra rất linh hoạt, không máy móc để đảm người dân được đi lại, đảm bảo giao thương nhưng tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh”, ông Thanh chia sẻ.

Người Cơ Tu trong công cuộc phòng chống dịch

Theo số liệu của chính quyền địa phương toàn xã có 7 thôn gồm 1.444 hộ dân với 4.533 nhân khẩu. Trong đó có 281 hộ dân với 901 nhân khẩu thuộc 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí là người đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Thực tế, để đạt được thành quả lớn lao trong công tác phòng chống dịch Covid-19 nói trên của Hòa Bắc có đóng góp lớn lao từ đồng bào Cơ Tu. Đặc biệt là vai trò của những người đứng đầu như già làng.

Nhớ những ngày đầu dịch bệnh ập đến Đà Nẵng. Hai tiếng “Covid-19” khiến người dân vùng xuôi lo lắng, bất an thì người dân miền ngược nắng lại càng e ngại bấy nhiêu. Việc xét nghiệm, việc tiêm chủng,… hay đơn giản nhất là chuyện bịt khẩu trang còn quá lạ lùng với người dân Tà Lang, Giàn Bí.

Đồng bào Cơ Tu tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.

Như lời Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Hồ Phú Thanh, có thời điểm khi xã triển khai xét nghiệm toàn dân hoặc tiêm vắc – xin thì bà con đồng bào chưa hiểu rõ nên đã lo sợ và bỏ lên rừng trốn. Điều này khiến chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong quản lý, triển khai công tác phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, bà con chưa hiểu thì càng cần giải thích rõ cho bà con. Thế là vai trò của già làng, được phát huy cao độ.

Còn nhớ những ngày đầu chống dịch già làng Bùi Văn Siêng (thôn Giàn Bí), già Đinh Hồng Thanh (thôn Tà Lang) là những người đầu tiên xung phong tham gia đi xét nghiệm, đi tiêm chủng. Chính bằng hành động rõ ràng này của hai người đứng đầu đã giúp cộng đồng Cơ Tu hiểu rõ vấn đề và sau đó 100% người dân bản, làng tin tưởng và hưởng ứng.

Để rồi khi bà con tin tưởng thì không gì là không thể. Vốn đồng bào Cơ Tu thường có nhiều sinh hoạt tín ngưỡng như lễ hội, ma chay, mừng lúa mới… Tuy nhiên, trong thời gian dài chống dịch họ đều tự nguyện dừng hết các lễ hội. Nếu có ma chay thì tang lễ tổ chức không quá 24 giờ, con số này được rút ngắn 50% thời gian so với quy định của Tp. Đà Nẵng.

Không chỉ điển hình tập thể ở sự đồng lòng, nhiều cá nhân trong cộng đồng đồng bào là những tấm gương đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh. Có thể kể đến như ông Hồ Phú Sâm, nguyên Trưởng thôn Phò Nam. Ông Sâm vừa giỏi làm ăn kinh tế vừa nổi bật là người có tâm hồn nghệ sĩ.

Hai năm dịch dã vừa qua, ông Sâm sáng tác hàng chục bài thơ, hò vè mang chất liệu, âm hưởng của dân ca để tuyên truyền về Covid-19. Không còn là lời văn khô khăn, không còn là những mệnh lệnh hành chính, công tác tuyên truyền phòng chống dịch ở Hòa Bắc qua thơ ca, hò vè giúp người dân dễ hiểu, thậm chí là thuộc làu, nhập tâm. Từ đó, hiệu quả tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tăng lên không ngừng.