Thế giới

Vùng cấm bay là một "chiến dịch quân sự"

Các lực lượng Nga hiện đã tiến hành "hơn 1.000 vụ phóng tên lửa" kể từ khi bắt đầu tấn công quân sự vào Ukraine.

Một vùng cấm bay do Mỹ thực thi trên lãnh thổ Ukraine thực sự sẽ là một “chiến dịch quân sự” có nguy cơ làm leo thang xung đột, Alyssa Demus, một nhà phân tích chính sách cấp cao của tổ chức tư vấn phi lợi nhuận RAND Corporation (Mỹ), cho biết.

“Về lý thuyết, nó có vẻ là một ý tưởng hay”, bà Demus nói với Al Jazeera. “Nhưng sau đó, khi quý vị hiểu rõ vùng cấm bay có ý nghĩa như thế nào trong thực tế, thì đó thực sự là một chiến dịch quân sự”.

“Vì vậy, tôi nghĩ Nga sẽ coi đó là một sự leo thang đáng kể và họ là một quốc gia hạt nhân”, vị chuyên gia này cảnh báo.

Các nước Baltic kêu gọi lập vùng cấm bay đối với Ukraine

Quốc hội Latvia (Saeima) đã cùng với các cơ quan lập pháp của Estonia và Lithuania kêu gọi thành lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.

Saeima hôm 17/3 đã bày tỏ nhất trí ủng hộ lời kêu gọi hành động ngay để thiết lập vùng cấm bay quốc tế trên lãnh thổ Ukraine và các biện pháp khác để kiềm chế sự gây hấn của Nga, trang LSM của Latvia đưa tin.

Cơ quan lập pháp của quốc gia Baltic này lưu ý đến nghị quyết ngày 28/2 của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, yêu cầu tuyên bố không phận Ukraine là vùng cấm bay, và kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ) hành động ngay lập tức để thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine nhằm bảo vệ cuộc sống của người dân và đảm bảo an ninh cho các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine.

Điều quan trọng là, lời kêu gọi lập vùng cấm bay của Latvia không đề cập đến liên minh NATO mà là các quốc gia thành viên LHQ.

Saeima cũng kêu gọi hành động để đảm bảo hoạt động an toàn của các hành lang nhân đạo ở Ukraine càng sớm càng tốt và kêu gọi các nước dân chủ đóng cửa không phận và cảng của họ đối với máy bay và tàu của Liên bang Nga, đồng thời kêu gọi các nước thành viên NATO và Liên minh châu Âu tăng cường hỗ trợ cho Ukraine bằng cách cung cấp thiết bị quân sự và vũ khí phòng thủ cho phép Ukraine tự bảo vệ lãnh thổ của mình.

Hôm 17/3, Quốc hội Lithuania (Litva) bày tỏ mong muốn tương tự về một vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine và 2 ngày trước, ngày 15/3, Quốc hội Estonia cũng có động thái tương tự.

Lính cứu hỏa có mặt bên ngoài một tòa nhà chung cư bị phá hủy ở Kiev, Ukraine, hôm 15/3/2022. Ảnh: CBC News

Nga đã phóng hơn 1.000 tên lửa ở Ukraine

Các lực lượng Nga hiện đã tiến hành "hơn 1.000 vụ phóng tên lửa" kể từ khi bắt đầu tấn công quân sự vào Ukraine, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên hôm 17/3, theo CNN.

Mỹ đang thấy "hoạt động hải quân tiếp tục ở phía bắc Biển Đen ngoài khơi bờ biển Odessa," nhưng không có "cuộc pháo kích nào trong suốt 24 giờ qua", vị quan chức giấu tên này cho biết.

Cũng "không có dấu hiệu nào chứng tỏ sắp có một cuộc tấn công đổ bộ vào Odessa", vị quan chức này bổ sung.

Mỹ - Trung sẽ điện đàm cấp nguyên thủ về vấn đề Ukraine

Tổng thống Joe Biden hôm 18/3 sẽ điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về cạnh tranh kinh tế đang diễn ra giữa 2 nước, xung đột Nga – Ukraine, và vấn đề 2 bên cùng quan tâm.

Trong một tuyên bố hôm 17/3 về cuộc điện đàm sắp tới, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, đây là "một phần trong nỗ lực không ngừng của Mỹ để duy trì đường dây liên lạc cởi mở" giữa nước này và Trung Quốc.

Trước đó, 2 bên đã có cuộc họp căng thẳng kéo dài 7 giờ tại Rome hôm 14/3 giữa Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan và Cố vấn cấp cao về chính sách đối ngoại của Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Sau hơn 20 ngày chiến tranh, hơn 3 triệu người Ukraine đã phải chạy trốn khỏi đất nước, trong khi 2 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán tới các vùng không có chiến sự ở Ukraine, theo LHQ. Ảnh: Al Jazeera

Canada tiết lộ kế hoạch về cư trú tạm cho người Ukraine

Canada đã tiết lộ chi tiết về một kế hoạch nhập cư mới sẽ cho phép người Ukraine ở lại quốc gia Bắc Mỹ này trong tối đa 3 năm với tư cách là tạm trú nhân.

Chính phủ Canada cho biết, những người nộp đơn ở nước ngoài phải nộp đơn xin thị thực du lịch Canada trực tuyến và cung cấp dấu vân tay và ảnh, đồng thời khuyến khích người nộp đơn xin giấy phép lao động 3 năm cùng một đợt.

Người lao động, sinh viên và du khách Ukraine và người thân của họ đã ở Canada cũng có thể xin gia hạn thời gian lưu trú lên đến 3 năm, cơ quan chức năng Canada cho biết thêm.

Na Uy sẽ tiếp nhận người tị nạn Ukraine từ Moldova và các nơi khác

Chính phủ Na Uy cho biết họ sẽ đưa 2.500 người tị nạn Ukraine đến Na Uy từ Moldova, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu.

Ngoài ra, 550 người tị nạn cần được chăm sóc y tế, cộng với 2.200 thành viên gia đình của họ, cũng sẽ có cơ hội đến na Uy, Thủ tướng Jonas Gahr Store cho biết trong một cuộc họp báo.

“Moldova đã yêu cầu sự giúp đỡ… và Na Uy sẽ đóng góp. Ngoài ra, chúng tôi muốn cưu mang một số người tị nạn dễ bị tổn thương nhất mà cuộc chiến khủng khiếp này đã gây ra”, Thủ tướng Store cho biết.

Ngoài Na Uy, các nước G7 cũng đồng ý tăng cường hỗ trợ cho Moldova và các nước khác gần Ukraine trong việc đối phó với dòng người tị nạn Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói với các phóng viên sau cuộc họp trực tuyến của các Ngoại trưởng G7 hôm 17/3.

Minh Đức (Theo Al Jazeera, DW, CNN, ABC News, LSM.lv)