Xu hướng thị trường

Vừa về "siêu ủy ban", SCIC “ẵm” ngay 7.400 tỷ nhờ Vinaconex

Một “ông lớn” khá quen mặt trong lĩnh vực xây dựng miền Bắc đã chi ra gần 7.400 tỷ đồng để sở hữu lô cổ phiếu “khủng” tại Vinaconex mà SCIC bán đấu giá công khai.

Chiều ngày 22/11, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã diễn ra 2 phiên đấu giá cổ phần Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, MCK: VCG) của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Cụ thể, SCIC đấu giá trọn lô 254,9 triệu CP VCG, tương đương 57,71% vốn, giá khởi điểm cả lô là 5.431 tỷ đồng và số tiền mà nhà đầu tư phải đặt cọc 10%, tương đương hơn 543 tỷ đồng.

Theo kết quả được công bố, có 3 nhà đầu tư đã đăng ký mua trọn lô cổ phần với mức giá lần lượt là 21.300 đồng/CP; 22.300 đồng/CP và 28.900 đồng/CP.

Như vậy, nhà đầu tư bỏ giá 28.900 đồng/CP VCG đã trúng đấu giá trọn lô cổ phần của SCIC tại Vinaconex. Tổng số tiền phải chi ra để sở hữu là 7.367 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm do SCIC công bố, cao hơn 2.650 tỷ đồng so với giá thị trường của cổ phiếu VCG (giá đóng cửa của cổ phiếu VCG cùng ngày 22/11 chỉ ở mức 18.500 đồng/CP).

Chỉ trong một ngày, cục diện sở hữu tại Vinaconex thay đổi hoàn toàn, SCIC và Viettel đều rút lui, nhường sân cho các doanh nghiệp tư nhân

Danh tính nhà đầu tư chịu chi gần 7.400 tỷ để thâu tóm Vinaconex (tỷ lệ vốn quá bán 57,71% được coi là lô hàng khá dễ chịu mà SCIC đưa ra) cũng được giới đầu tư quan tâm.

Theo thông tin bên lề buổi đấu giá, nhiều khả năng, công ty TNHH An Quý Hưng chính là tổ chức mua được lô cổ phần từ SCIC.

An Quý Hưng được thành lập năm 2001, vốn điều lệ 360 tỷ đồng bởi hai vợ chồng ông Nguyễn Xuân Đông và bà Đỗ Thị Thanh. Tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản của An Quý Hưng cũng ngấp nghé mức 1.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà xưởng công nghiệp, bất động sản, sản xuất bê tông… - những ngành nghề khá quen thuộc với “ông lớn” Vinaconex.

Về SCIC, có thể nói, phiên đấu giá cổ phần SCIC lần này đã diễn ra hết sức thành công với mức giá vượt trội so với giá khởi điểm.

Còn nhớ, cùng thời điểm này năm ngoái, SCIC từng chào bán 96,2 triệu cổ phần Vinaconex, tương đương 22% vốn của tổng công ty này nhưng kết quả không được như mong muốn. Đợt đấu giá đó, SCIC chỉ bán được 5,3 triệu cổ phần, tương đương 1,2% vốn điều lệ.

Đây cũng được coi là pha “ghi điểm” mở màn cho những ngày đầu tổng công ty này được chuyển về “siêu ủy ban” Quản lý vốn Nhà nước quản lý (chuyển giao từ bộ Tài chính vào ngày 12/11/2018).

Những "ông lớn" doanh nghiệp Nhà nước được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

Chịu chi 2.000 tỷ, thua đắng vì... 72.000 đồng

Cũng trong chiều 22/11, Viettel đã đấu giá thành công trọn lô 94 triệu cổ phần VCG, tương đương 21,28%, thu về hơn 2.000 tỷ đồng.

2 nhà đầu tư tổ chức tham gia phiên đấu giá này gồm công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty cổ phần Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam.

Trong đó, mức giá nhà đầu tư trúng thầu đưa ra chỉ cao hơn nhà đầu tư còn lại 72.500 đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam do con trai của nhà tư sản nổi tiếng Trịnh Văn Bô là ông Trịnh Cần Chính làm Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Trong khi đó, công ty Cường Vũ là một doanh nghiệp mới vừa thành lập cuối năm 2017 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng.