Xu hướng thị trường

“Vua thép” Hòa Phát thiếu tự tin với lợi nhuận 2019

Mặc dù vừa lập đỉnh lợi nhuận 2018 với con số 8.600 tỷ đồng – cao nhất trong lịch sử hoạt động của mình, nhưng thép Hòa Phát lại “rón rén” đặt kế hoạch lợi nhuận 2019 giảm tới 22%. Lý do vì sao?  

Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) vừa công bố Nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu toàn tập đoàn dự kiến đạt 70.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.700 tỷ đồng.

Năm 2018 được Hòa Phát xem là năm "thành công rực rỡ" khi doanh thu tăng 21% so với năm 2017, đạt 55.800 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt mức kỷ lục 8.600 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch năm.

Tổng sản lượng thép tiêu thụ đạt 3,16 triệu tấn, trong đó thép xây dựng đạt 2,37 triệu tấn, ống thép tròn là 654.000 tấn, còn lại là tôn mạ các loại. Cùng với đó, giá cổ phiếu HPG đã tăng 12,8% so với thời điểm đầu năm 2019, lên mức 34.900 đồng/cổ phiếu.

Ông chủ Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận 2019 khá khiêm tốn mặc dù vừa trải qua một năm thắng lợi.

Như vậy, kế hoạch năm 2019 của Hòa Phát có sự tăng trưởng doanh thu 24%, nhưng lợi nhuận lại giảm tới 22% khiến nhiều người tò mò về lý do.

Một số phân tích cho rằng, việc Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận “rón rén” trong năm 2019 có thể xuất phát từ lo ngại giá thép sẽ thấp hơn năm trước.

Năm ngoái, dù đạt lợi nhuận kỷ lục 8.600 tỷ đồng nhưng lợi nhuận quý IV.2018 của Hòa Phát đã chững lại (1.760 tỷ đồng – rất lâu lợi nhuận quý của HPG mới rơi xuống dưới mốc 2.000 tỷ đồng) do giá bán thép bình quân giảm khá mạnh.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã bỏ đánh thuế xuất khẩu trên phôi thép vuông từ 01/01/2019 nhằm mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến giá thép.

Trong khi đó, Chứng khoán Bản Việt thì lại lưu ý rằng kế hoạch kinh doanh của HPG thường không phản ánh chính xác kết quả kinh doanh thực tế. HPG đã vượt kế hoạch 51% năm 2015, 106% năm 2016, 33% năm 2017 và 7% năm 2018.

Hòa Phát là tập đoàn sản xuất thép hàng đầu Việt Nam. Khởi đầu từ một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực Nội thất (1995), Ống thép (1996), Thép (2000), Điện lạnh (2001), Bất động sản (2001).

Năm 2007, doanh nghiệp tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn, trong đó công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát giữ vai trò là công ty mẹ cùng các công ty thành viên và công ty liên kết. Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát hiện tại là ông Trần Đình Long, một trong những tỷ phú USD của Việt Nam, thường vẫn được gọi với cái tên trìu mến là “vua thép".

Trong bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh của Forbes cập nhất đến hết ngày 27/2/2019, ông Trần Đình Long được ghi danh với tổng tài sản đạt 1 tỷ USD (tương đương hơn 534 triệu cổ phiếu Hòa Phát), xếp hạng 1.986.

Trước đó, ngày 10/2, ông Long đã từng "biến mất" khỏi danh sách tỷ phú do tạp chí này xếp hạng do giá cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát giảm giá mạnh.

Hồi tháng 3/2018, ông Long lần đầu có tên trong danh sách tỷ phú của Forbes với khối tài sản đạt 1,3 tỷ USD,  xếp hạng 1.833.

H.Y (tổng hợp)