Dân sinh

Vừa mở cửa trở lại, người dân New York tranh thủ cắt tóc bất chấp mức giá nghìn USD

Những ngày qua, thành phố New York đã bắt đầu quay trở lại nhịp sinh hoạt bình thường khi nhận thấy dịch COVID-19 có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Dù mức giá lên đến 1.000 USD cho một lần cắt tóc nhưng số lượng khách chờ vẫn lên đến hàng nghìn người.

Găng tay, khẩu trang và máy kiểm tra thân nhiệt vẫn là yêu cầu bắt buộc trước khi khách hàng đặt chân vào salon tóc tại thành phố New York (Mỹ) sau đại dịch COVID-19.

Các nhà tạo mẫu tóc tại một salon sang trọng ở khu Upper East Side (quận Manhattan, New York) bắt đầu quay trở lại quãng thời gian bận rộn khi chính quyền thành phố dần nới lỏng các biện pháp giãn cách sau 3 tháng “đóng băng” mọi hoạt động vì đại dịch. Mức giá cho dịch vụ cắt tóc hậu Covid-19 lên tới 1.000 USD, nhưng lượng người trong danh sách chờ đã lên tới 1.200 khách hàng.

Dù mức giá đắt đỏ song khách hàng vẫn nườm nượp ra vào salon.

Chia sẻ với Reuters, Susan Warren, một cư dân sinh sống tại New York cho biết: “Dịch vụ ở đây đắt xắt ra miếng, tóc tôi sau khi làm xong rất dễ chăm sóc”. Dù rất trân trọng từng đồng tiền mồ hôi nước mắt mình làm ra nhưng để “tút tát” lại vẻ ngoài sau những ngày tháng bị phong tỏa nữ hành khách sẵn sàng ăn bơ, đậu phộng hay thạch cho qua bữa.

Salon tóc với mức giá “nghìn đô” yêu cầu tất cả khách hàng phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt và tuân thủ đầy đủ quy định mở cửa của chính quyền New York – nơi mà chỉ vài tháng trước vẫn là tâm điểm của đại dịch.

“Khách hàng có thể để túi xách của họ bên trong một túi nhựa. Chúng tôi cung cấp khăn lau cho từng người để lau điện thoại và kính. Tất nhiên, mọi người đều phải đeo khẩu trang, và chúng tôi khuyên bạn nên rửa tay và khử trùng”, bà Suelyn Farel, chủ salon sang trọng cho hay.

Đúng là dù trong hoàn cảnh nào thì người ta cũng luôn muốn chăm chút sao cho vẻ ngoài của mình thật hoàn hảo, chỉn chu, nhất là sau nhiều tháng chôn chân trong nhà vì dịch bệnh. Theo bà Farel, số lượng khách ghé tiệm sẽ tiếp tục tăng trong suốt mùa thu năm nay. “Mọi người gọi điện, gửi email, gửi tin nhắn. Ý tôi là, danh sách chờ ngày càng dài ra”, bà Farel vui vẻ cho biết.

Ông Julien Farel (chồng bà Farel, kiêm nhà tạo mẫu chính) cho biết ông rất phấn khích khi được gặp lại các vị khách và được làm công việc yêu thích. Khách hàng của ông cũng rất hào hứng khi lại được cắt, nhuộm, làm mới vẻ ngoài của mình.

Minh Hoa (t/h theo Zing, Lao Động)