Sự kiện

"Vừa đi vừa dò đường và sửa sai, hoàn chỉnh”

Sáng 14/9 đã diễn ra buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và Tp.HCM".

Tham dự hội nghị, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ. Các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải cũng cử đại diện tham gia cùng đông đảo các lãnh đạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lãnh đạo TP.HCM và nhiều doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, tất cả các thành phần xã hội đều gặp khó khăn. “Chúng ta có lường đến những câu chuyện từ trước nhưng đại dịch chưa có tiền lệ, việc ứng xử chưa có quy chuẩn nào, vừa đi vừa dò đường và sửa sai, hoàn chỉnh”.

Mục tiêu trước mắt là tối thiểu hóa rủi ro cho nông dân, chính quyền, doanh nghiệp. Đại dịch diễn ra nhanh đã tạo lên một áp lực lớn cho bộ máy, dẫn đến sự lúng túng nhất định khi bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành phía Nam. 

Nhấn mạnh vai trò của thương lái trong hệ thống kinh tế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần ngồi lại để cùng kiến tạo 1 không gian an toàn, bởi mỗi doanh nghiệp đều có đặc thù riêng. Từ đó, cần rút ra bài học về tư duy liên kết vùng, kết nối không gian giữa 13 tỉnh ĐBSCL như một thực thể.

Bộ trưởng cũng thừa nhận một phần trách nhiệm của Bộ NN-PTNT khi chưa đảm đương tốt vai trò điều phối, liên lạc khiến hệ thống cung ứng hàng hóa bị đứt gãy trong đại dịch ở khu vực.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan .

Cũng tại hội nghị, sau khi nghe các ý kiến từ các doanh nghiệp, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú ghi nhận nguyện vọng muốn được hỗ trợ vốn, lãi suất, nguồn lực cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói chung và nông sản nói riêng. Ông Tú cho biết, quan điểm của NHNN là luôn sát cánh cùng doanh nghiệp và kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trước đó.

Trong tình hình mới, ngày 07/9/2021, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 14 sửa đổi, bổ sung về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho phù hợp. Nếu diễn biến phức tạp hơn, ngành ngân hàng sẽ kịp thời cập nhật chính sách.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Tổ phó Thường trực Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương nhận định, giai đoạn khó khăn nhất trong việc cung ứng hàng hoá cho Tp.HCM và ĐBSCL đã qua. Tp.HCM và các tỉnh phía Nam là bài học về việc thực hiện những nhiệm vụ khó khăn nhất trong giai đoạn chống dịch, đặc biệt là Tp.HCM dù nhiều khó khăn nhưng đã bảo đảm đủ hàng hoá cho người dân ngay cả trong giai đoạn chống dịch cam go nhất, đồng thời còn hỗ trợ tiêu thụ hàng hoá cho các tỉnh, thành ĐBSCL.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ hàng hoá thông qua các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đa dạng hình thức phân phối… Trong đó, sẽ đưa vào vận hành sàn giao dịch ảo để tạo thêm kênh xúc tiến, bán hàng cho DN trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM Nguyễn Nguyên Phương nêu ý kiến đóng góp, dịch bệnh bùng phát gây ra tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp không có đầu ra. Để tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, TP. HCM đề xuất tiếp tục triển khai kết nối với các hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã cho phép sàn thương mại điện tử cũng như DN kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử hoạt động trở lại.

Sắp tới đây, hệ thống giao hàng sẽ được hoạt động liên quận, tạo điều kiện để người dân tiếp cận hàng hóa, giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, một vấn đề còn tồn tại là việc bán hàng lưu động dưới hình thức combo, dẫn đến nhà cung ứng tập trung hàng hóa có khả năng lưu trữ lâu ngày, như vậy thực phẩm tươi sống sẽ khó tiếp cận được, đặc biệt là thủy hải sản.