Hồ sơ doanh nghiệp

"Vua bút bi" Thiên Long lãi 1,5 tỷ đồng mỗi ngày

Nửa đầu năm 2023, "vua bút bi" Thiên Long báo lãi sau thuế gần 270 tỷ đồng, giảm 10% do sức mua chung của thị trường.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 1.069,3 tỷ đồng, thu hẹp 2% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là doanh thu bán thành phẩm 1.597 tỷ đồng và 390 tỷ đồng doanh thu bán hàng hoá.

Giá vốn hàng bán và lãi gộp cũng giảm 2% về lần lượt 591 tỷ đồng và 478 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, “vua bút bi” báo lãi sau thuế hơn 168,1 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Thiên Long ghi nhận doanh thu thuần tăng 6% lên 1.987 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán thành phẩm đạt 1,597 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Do đà tăng của giá vốn hàng bán mạnh hơn đà tăng của doanh thu nên biên lãi gộp co nhẹ từ 43,7% còn 43,3%, lãi gộp tăng 5% lên gần 863 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 35% lên gần 31 tỷ đồng, đa phần là lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỉ giá hối đoái. Song chi phí tài chính tăng gấp gần 3 lần cùng kỳ lên 18 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay tăng 2,5 lần lên hơn 10 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 22% lên 570,6 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí cho nhân viên tăng 15% lên 311,3 tỷ đồng.

Kết quả, Thiên Long báo lãi sau thuế giảm 10% còn 269,9 tỷ đồng, như vậy bình quân mỗi ngày công ty thu về 1,5 tỷ đồng tiền lãi. So với kế hoạch thu về 400 tỷ đồng lãi sau thuế, doanh nghiệp đã hoàn thành được 67% chỉ tiêu sau nửa năm.

Lý giải về lợi nhuận đi lùi, Thiên Long cho biết trong bối cảnh sức mua chung của thị trường giảm mạnh, công ty đã thực hiện nhiều chương trình bán hàng và kết quả là doanh thu thuần tăng nhẹ. Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư mạnh vào đội ngũ nhân sự, phát triển thương hiệu. Do đó, chi phí hoạt động tăng, làm cho lợi nhuận sau thuế giảm.

Đến này 30/6/2023, tổng tài sản của Thiên Long ghi nhận ở mức 3.031 tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm. Phần tăng đến từ các khoản phải thu ngắn hạn tăng gần gấp đôi lên 727,8 tỷ đồng, trong đó SQI Group là 75,6 tỷ đồng và khoản phải thu khác tăng gấp đôi đầu năm lên 612,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng có tổng giá trị 50 tỷ đồng đã được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản vay ngắn hạn từ VietcomBank và Ngân hàng The Siam Commercial Bank Public Company Limited.

Thời điểm cuối quý II, tổng nợ phải trả của Thiên Long ở mức 1.028,8 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Vay nợ tài chính của công ty tăng 50% lên mức 374 tỷ đồng, trong đó công ty vay Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam 241,8 tỷ đồng, Ngân hàng The Siam Commercial Bank Public Company Limited 46,7 tỷ đồng, VietinBank 24,8 tỷ đồng và Vietcombank 22,9 tỷ đồng.

Các khoản vay này có kỳ hạn và lãi suất theo từng lần giải ngân, mục đích vay đều nhằm bổ sung nhu cầu vốn lưu động, xây dựng nhà xưởng, mua sắm và lắp đặt tài sản cố định. Tập đoàn đã sử dụng máy móc thiết bị, các khoản phải thu để thế chấp cho các khoản vay này.

Vốn chủ sở hữu của Thiên Long chạm mốc 2.002,6 tỷ đồng, nới nhẹ so với hồi đầu năm, trong đó có gần 778 tỷ đồng vốn góp. Cụ thể, CTCP Đầu tư Thiên Long An Thịnh sở hữu 48,01% vốn điều lệ, tương đương năm giữ 37,35 triệu cp TLG, NWL Cayman Holdings và ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch HĐQT lần lượt sở hữu 7,07% vốn điều lệ và 6,1%. Các cổ đông khác nắm 38,82% số cổ phần còn lại.

 Diễn biến thị giá cổ phiếu TLG (Nguồn: FireAnt).

Trước đó tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Tổng Giám đốc Trần Phương Nga cho biết Thiên Long đang chuẩn bị nền tảng vững chắc để nhân rộng quy mô hơn. Trong cơ cấu doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2027 có tỉlệ tăng mặt bằng giá bán từ 50 - 70% theo lộ trình 5 năm.

Doanh thu 10.000 tỷ đồng sẽ đến từ 3 trụ cột gồm mảng xuất khẩu chiếm 1/4, mảng nội địa tăng về giá trị chứ không dồn hết vào sản lượng, cuối cùng là các mảng mới.

Hiện tại, nhu cầu tiêu dùng theo thời gian sẽ tăng theo thu nhập của người dân, người tiêu dùng trẻ sẽ sẵn lòng trả thêm cho trải nghiệm tốt hơn. Do đó, công ty theo đuổi mục tiêu chất lượng, giá trị trải nghiệm hơn là sản lượng.