Góc nhìn luật gia

Vụ xe Range Rover đâm nữ sinh rồi bỏ chạy: Người liều lĩnh “thế thân” có bị xử lý?

Qua điều tra, xác minh thông tin, cơ quan chức năng xác định Nguyễn Mạnh H. (SN 1990, Tuyên Quang) không phải thủ phạm của vụ xe Range Rover tông nữ sinh ở Hà Nội mà thực chất chỉ là kẻ nhận tội thay.

Tài xế có thể phải chịu trách nhiệm về 2 tội danh

Dưới góc độ pháp lý của vụ việc, luật sư Bùi Thị Hiệp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, nếu có căn cứ xác định lái xe Range Rover có lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ không chấp hành đèn tín hiệu giao thông đâm vào nữ sinh gây tổn hại nặng cho sức khỏe từ 61% trở lên, sau đó bỏ trốn thì có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về tham gia Giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể, tài xế phải đối diện với hình phạt từ 3 đến 10 năm tù do gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn trách nhiệm.

Chiếc xe đâm vào nữ sinh rồi bỏ trốn.

Ngoài ra, tài xế còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc tù từ 1 đến 5 năm nếu gây tổn hại sức khỏe cho nữ sinh từ 61% trở lên (quy định ở điểm a, khoản 1, Điều 260).

Cùng đánh giá mức án của tài xế, luật gia Đồng Xuân Thuận cho hay, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định người gây tai nạn là người có lỗi vi phạm luật Giao thông đường bộ điều khiển ô tô đâm vào nạn nhân rồi bỏ chạy thì có dấu hiệu cấu thành tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 260.

“Trường hợp Phạm Thế Duy nhờ người khác nhận tội thay, chỉ nhờ thông thường không mang tính cưỡng ép thì có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng nếu cưỡng ép hoặc mua chuộc với những người là người làm chứng, bị hại hoặc đương sự trong vụ án thì có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 384, BLHS quy định về tội Mua chuộc hoặc Cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu”, luật gia Thuận nêu quan điểm.

3 yếu tố để xem xét nhận tội thay người khác có phạm tội hay không

Đánh giá về hành vi của người nhận tội thay, theo luật gia Đồng Xuân Thuận, hành vi đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tố tụng trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Tuy nhiên để xem xét người này có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, cần phải điều tra, làm rõ nhiều yếu tố.

Luật gia Thuận chỉ rõ, khoản 1, Điều 389, Bộ luật Hình sự, tội Che giấu tội phạm quy định: “Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 18 của Bộ luật này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm". Đối chiếu quy định này không có Điều 260, do vậy những người che giấu người thực hiện hành vi phạm tội được quy định tại Điều 260 sẽ không bị coi là tội phạm.

Nữ sinh bị thương nặng, vẫn đang điều trị tại bệnh viện.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1, Điều 390 về tội Không tố giác tội phạm cũng không quy định đối với Điều 260 nên cũng không có căn cứ xử lý về tội này.

Bên cạnh đó, với tội Cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối tại Điều 382, BLHS thì chủ thể chịu trách nhiệm hình sự gồm: Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa... Do vậy cũng loại trừ với trường hợp của Nguyễn Mạnh H..

“Vì vậy, để xác định nhận tội thay người khác có phạm tội hay không cần xác định các yếu tố sau: Chủ thể thực hiện nhận tội thay, mối quan hệ giữa chủ thể nhận tội thay và chủ thể được nhận tội thay, tội được nhận thay thuộc tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng”, luật gia Đồng Xuân Thuận đưa ra quan điểm.

Người “thế thân” sẽ bị xử phạt hành chính

Luật sư Bùi Thị Hiệp chia sẻ: “Qua thông tin vụ việc, Nguyễn Mạnh H. đã đứng ra nhận tội thay, gây nhiễu loạn thông tin, làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra của cơ quan công an. Tuy nhiên cơ quan công an cần xác định xem H. không biết người vi phạm pháp luật hay biết rõ nhưng vẫn đứng ra nhận tội thay, có uẩn khúc gì trong việc này không? Và dù thế nào, Nguyễn Mạnh H. vẫn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi báo tin giả đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo điểm b, khoản 2, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng”.

Vị luật sư nhấn mạnh vào trường hợp chứng minh được Nguyễn Mạnh H. là người làm chứng (gián tiếp) về vụ tai nạn, biết rõ người vi phạm pháp luật là Phạm Thế Duy nhưng đã khai báo gian dối, cung cấp tài liệu giả về những tình tiết vụ tai nạn với cơ quan cảnh sát điều tra thì mới có căn cứ truy cứu tội Cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối theo Điều 382, BLHS. Khung hình phạt mà đối tượng có thể phải đối mặt là cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.    

Phương Quế