Góc nhìn luật gia

Vụ xe container tông xe Innova lùi trên cao tốc: Bản án có công bằng giữa 2 bị cáo?

Trong buổi giao lưu trực tuyến tại báo Người Đưa Tin, các chuyên gia pháp lý cho rằng, đưa ra phán quyết tuyên phạt tài xế xe container mức án 6 năm tù và tài xế xe Innova án 9 năm tù trong vụ container tông Innova lùi trên cao tốc còn rất nhiều điều chưa thỏa đáng.

Xem nội dung buổi giao lưu trực tuyến vụ xe container tông xe Innova lùi trên cao tốc do báo Người Đưa Tin tổ chức:

Ngay sau khi TAND tỉnh Thái Nguyên đưa ra phán quyết tuyên phạt Lê Ngọc Hoàng -  tài xế xe container mức án 6 năm tù và tài xế xe Innova Ngô Văn Sơn án 9 năm tù trong vụ container tông Innova lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã tạo nên sự tranh cãi dữ dội trong dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bị cáo Ngô Văn Sơn vi phạm 3 lỗi: Lùi xe trên đường cao tốc; Điều khiển ôtô trên đường khi có nồng độ cồn và Chở khách vượt quá số người quy định mới chính là nguyên nhân chính gây hậu quả thảm khốc cho vụ tai nạn, còn phía bị cáo Hoàng rơi vào thế bất ngờ nên hoàn toàn không có lỗi. Tại buổi giao lưu trực tuyến với báo Người Đưa Tin vào chiều 8/11, các chuyên gia pháp lý cũng đưa quan điểm của mình về các luồng ý kiến trên.

Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn Luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông, cục CSGT, bộ Công An cho rằng, sau phiên phúc thẩm, việc tài xế Hoàng bị mức án 6 năm tù đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến cho rằng bản án này là quá nặng và có oan sai. Đó là một dấu hiệu đáng mừng. Bởi nó là sự chứng minh cho việc nhiều người dân và các nhà chuyên môn đã quan tâm đến pháp luật của nước nhà và mạnh mẽ lên tiếng để vụ án sáng tỏ, minh bạch hơn.

Đại tá Trần Sơn.

“Nếu nguyên nhân của vụ tai nạn là hỗn hợp thì mức án mà Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên dành cho bị cáo Sơn với 3 lỗi: Lùi trên đường cao tốc; Sử dụng rượu bia quá nồng độ quy định tương đối cao; Chở quá số người quy định thì mức án đó đối với bị cáo Ngô Văn Sơn là thỏa đáng. Nhưng nếu nguyên nhân chính của vụ tai nạn là do lái xe Sơn thì mức án này chắc chắn còn phải cao hơn nữa. Còn quy về điều luật đối với lái xe Lê Ngọc Hoàng, các kết quả điều tra, thu thập chứng cứ để kết tội tài xế Hoàng vi phạm Điều 12, luật Giao thông đường bộ và Thông tư 91, bộ Giao thông Vận tải, quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn, là chưa thỏa đáng.”

Đồng tình với những phân tích của Đại tá Trần Sơn, ông Nguyễn Đình Hòa - nguyên Thẩm phán, Chánh án TAND quận Tây Hồ, TP.Hà Nội nhấn mạnh: “Là một người đã từng xét xử rất nhiều các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm nên khi thấy TAND tỉnh Thái Nguyên đưa ra phán quyết tuyên phạt bị cáo Ngô Văn Sơn 9 năm tù, tôi thấy quyết định đó có thể chấp nhận được. Nhưng riêng đối với bị cáo Hoàng, tôi băn khoăn và trăn trở câu hỏi liệu bị cáo Hoàng có thực sự có lỗi hay không?

Ở đây tôi thấy rằng bị cáo Hoàng hoàn toàn bất ngờ. Một chiếc xe Innova đang lùi trên tuyến đường cao tốc và một xe container đi đằng sau thì có thể nói hai xe đang đi đấu đầu nhau và với một khoảng cách như vậy, tôi được biết rằng bị cáo Hoàng đã rà phanh, bỏ chân ga ra đạp phanh để bảo đảm mức độ an toàn nhưng cũng không thể làm khác được. Liệu có buộc bị cáo Hoàng phải thấy trước hoặc buộc phải thấy trước hậu quả xảy ra không? Do vậy bản án 6 năm tù dành cho bị cáo còn chưa thuyết phục”.

Ông Nguyễn Đình Hòa.

Cũng bày tỏ quan điểm của mình tại buổi tọa đàm, Luật sư Giang Hồng Thanh – người bào chữa cho bị cáo - tài xế lái xe container Lê Ngọc Hoàng cho biết:“Là một trong những luật sư trực tiếp của bị cáo Lê Ngọc Hoàng thì cách tiếp cận của chúng tôi không phải bằng mọi giá để bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Hoàng mà chúng tôi chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo. Có nghĩa là nếu chúng tôi nhận thấy rằng Hoàng có những cái sai thì chúng tôi sẽ không tìm mọi cách để bảo vệ cái sai đó. Nếu như bảo vệ cái sai của Hoàng chúng tôi thấy sẽ có lỗi với những người thiệt mạng sau vụ tai nạn”.

Luật sư Giang Hồng Thanh.

Luật sư Thanh cho rằng: “Cả phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào hai lỗi để quy buộc bị cáo Hoàng có lỗi và khi có lỗi thì sẽ dẫn đến có tội. Lỗi thứ nhất không giữ khoảng cách an toàn và lỗi thứ hai là không giảm tốc độ khi gặp biển cảnh báo nguy hiểm hoặc chướng ngại vật. Ở lỗi thứ nhất, đối với khoản 1, Điều 12 phải giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước và như chúng ta đều biết xe Innova đang đi lùi nên không thể áp dụng điều khoản này. Lỗi thứ hai, HĐXX đã áp dụng Điều 5, Thông tư số 91 để cho rằng Hoàng không giảm tốc độ khi gặp biển cảnh báo nguy hiểm".

"Trong suốt hành trình di chuyển, Hoàng đi với tốc độ 62 – 63 km/h và trước một phút xảy ra vụ tai nạn bị cáo đã đi với tốc độ 60 đến 62 km/h, tức là khi đến khu vực gặp biển cảnh báo nguy hiểm thì Hoàng đã đi dưới mức tối đa cho phép và đương nhiên là không thể đi dưới tốc độ 60 km/h. Bởi vì, Điều 16, luật Giao thông đường bộ quy định không được đi quá mức tối đa hoặc quá mức tối thiểu. Khi chưa nhìn thấy sự kiện bất ngờ thì không buộc Hoàng đi dưới tốc độ 60km/h. Tóm lại, tôi cho rằng việc áp dụng hai điều luật trên với bị cáo Hoàng là không phù hợp", luật sư Thanh nhấn mạnh.