Hồ sơ điều tra

Vụ Vinasun kiện Grab: VKS đề nghị chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện

VKS cho rằng, không có căn cứ để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun buộc bị đơn phải bồi thường trên 41 tỷ đồng.

Sáng 28/12, đại diện VKS TP.HCM phát biểu quan điểm giải quyết vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (công ty Ánh Dương - đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) đối với bị đơn là công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (Grab).

Trước khi đại diện VKS trình bày quan điểm, Chủ tọa giải thích cho nguyên đơn và bị đơn về một số vấn đề cả 2 bên thắc mắc. Trong đó, nguyên đơn cho rằng tòa kéo dài vụ xử gây thiệt hại cho nguyên đơn. Còn bị đơn cho rằng kéo dài tạo điều kiện cho nguyên đơn có thời gian thu thập chứng cứ, có lợi cho nguyên đơn.

Ngoài ra, cả nguyên đơn và bị đơn đều gửi đơn tố cáo Chủ tọa đến Viện trưởng, Chánh án TAND Tối cao, Chủ tịch nước, đặt câu hỏi vì sao phiên tòa nhỏ lại báo cáo Hội đồng thẩm phán đến 2 lần? Có vi phạm hiến pháp không?.

Về các vấn đề này, Chủ tọa giải thích, việc nguyên đơn và bị đơn gửi đơn tố cáo là quyền của các bên. “Chủ tọa xin giải thích luôn việc có báo hay không tôi không có nhiệm vụ trả lời. Việc quyết định là thuộc HĐXX không chịu tác động của bất cứ cơ quan hay tổ chức nào”, Chủ tọa nói.

“Cho dù gửi đi đâu chăng nữa, quyền quyết định là ở đây, thuộc HĐXX vụ án này. HĐXX cho dừng tòa nhằm mục đích 2 bên hòa giải, HĐXX cũng mong vụ việc này kết thúc nhanh gọn”, vị Chủ tọa nhấn mạnh.

Đại diện phía Vinasun tại tòa.

Tiếp đến, đại diện VKSND phát biểu quan điểm giải quyết vụ án. Theo đại diện VKS, trong quá trình thụ lý và giải quyết vụ án, Thẩm phán đã thực hiện đúng trình tự tố tụng.

Về việc triệu tập công ty giám định Cửu Long nhưng công ty này không đến tòa, VKS cho rằng điều này là vi phạm pháp luật.

Đại diện VKS nhận định, thực tế Grab đã có một số hành vi trái luật, gây thiệt hại cho Vinasun, số tiền thiệt hại có thể lớn hơn nhiều so với con số mà Vinasun đã đưa ra và yêu cầu bồi thường.

Tuy nhiên, Vinasun lại không đưa ra được những căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của Grab là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại cho mình. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun buộc bị đơn phải bồi thường trên 41 tỷ đồng.

Cũng theo đại diện VKS, thông qua vụ án này, VKS sẽ có báo cáo đề xuất với VKSND Tối cao kiến nghị Chính phủ, bộ Giao thông Vận tải và các ngành có liên quan xây dựng lại khung pháp lý về việc quản lý các loại hình kinh doanh vận tải nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng cho những đơn vị tham gia vận tải hành khách.

Nhận định của VKS trong phiên tòa hôm nay (28/12) khác một phần so với phiên tòa chiều 23/10 vừa qua. Trong phiên tòa chiều 23/10, VKS từng đưa ra quan điểm giải quyết vụ kiện này. Trong đó đề nghị tòa tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là phía Vinasun, buộc Grab phải bồi thường thiệt hại một lần cho Vinasun với số tiền Vinasun yêu cầu là 41,2 tỷ đồng.