Góc nhìn luật gia

Vụ Tiến sĩ Bùi Quang Tín rơi lầu: Kết quả điều tra phần nào giải tỏa hoài nghi về vụ việc

Vụ Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín rơi lầu tử vong khiến dư luận vô cùng quan tâm. Nhiều người cho rằng cần điều tra làm sáng tỏ vụ việc. Sau khi có kết luận chính thức từ cơ quan công an TP.HCM là không khởi tố vụ án, PV Người Đưa tin Pháp Luật đã có cuộc PV Tiến sĩ, luật sư Lương Khải Ân, đoàn Luật sư TP.HCM về vấn đề này.

Sau khi Công an TP.HCM kết luận vụ việc không có dấu hiệu phạm tội nên không khởi tố vụ án, ở góc độ pháp lý, ông đánh giá thế nào?

Sự việc xảy ra rất đáng tiếc, để lại hậu quả lớn, rất đau lòng cho gia đình và người thân của nạn nhân. Bản thân Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín cũng là chuyên gia, có vị trí trong ngành ngân hàng, tôi có dịp tiếp xúc và đánh giá cao, nên vụ việc cũng gây quan tâm đặc biệt với dư luận. Song, có thể nói, quyết định không khởi tố vụ án hình sự do cơ quan công an ban hành kịp thời. Tôi nghĩ quyết định này là kết quả của quá trình điều tra khá thận trọng trước các yêu cầu về nghiệp vụ, cũng như chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo ngành công an, không bị áp lực từ bất kỳ ai. Kết quả phần nào cũng giải tỏa những ngờ vực, ít nhiều gây ảnh hưởng đến đại học Ngân hàng TP.HCM và một số thầy cô đang làm việc tại đây.

Những chứng cứ ban đầu được cộng đồng mạng nêu ra, theo ông nó có thể là cơ sở pháp lý để khởi tố vụ án? Nếu chưa thỏa đáng với kết luận điều tra, gia đình có quyền khiếu nại hay không?

Những thông tin, tài liệu thu thập ban đầu như cộng đồng mạng nêu ra chỉ là đơn phương một phía, có thể đúng, có thể không đúng, cần được kiểm chứng theo quy trình tố tụng hình sự nghiêm ngặt. Trong vụ việc của Tiến sĩ, luật sư Tín, theo tôi, về chuyên môn, còn phải thu thập cả các chứng cứ cơ học và sinh học, đấu tranh, làm sáng tỏ được sự thật, và chỉ có cơ quan công an với các thiết bị, phương tiện, điều kiện đầy đủ mới làm được. Không chỉ đơn thuần sử dụng đơn thư tố giác của gia đình, càng không thể chỉ dựa vào lời khai trình của những người có mặt hôm đó. Nếu không thỏa mãn với quyết định không khởi tố, gia đình nạn nhân có quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền.  

Công an khám nghiệm hiện trường vụ án

Nếu khiếu nại, gia đình nạn nhân cần làm những thủ tục gì? 

Gia đình có thể làm đơn kèm theo các thông tin, tài liệu chứng minh thuyết phục về những kết luận dẫn đến quyết định không khởi tố vụ án hình sự không đúng hoặc không khách quan (nếu có), gửi đến VKSND cùng cấp trong thời hạn 15 ngày (khoản 2 Điều 158; khoản 1 Điều 470 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015), kể từ ngày nhận quyết định. Viện trưởng VKSND trong thẩm quyền của mình sẽ giải quyết trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại (khoản 1, Điều 475 Bộ luật Tố tụng Hình sự). Quyết định giải quyết khiếu nại này sẽ có hiệu lực thi hành.

Từ khi xảy ra vụ việc đến nay, một số người đã mổ xẻ nhiều góc độ, thậm chí có người nêu quan điểm, đánh giá người liên quan, cụ thể là thầy Hiệu phó đại học Ngân hàng TP.HCM. Theo ông, những đánh giá đó ảnh hưởng như thế nào đến uy tín cá nhân và tổ chức đó khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan công an?

Vụ việc (tai nạn) xảy ra trong bối cảnh chỉ còn lại 2 người, chắc chắn không tránh khỏi những hoài nghi. Bất kỳ ai ở trong hoàn cảnh đó đều đau xót, muốn làm sáng tỏ vụ việc, nhất là nạn nhân là chuyên gia kinh tế, giảng viên được nhiều người yêu mến. Song, dưới góc độ pháp lý, khởi tố, xử lý một hành vi tội phạm phải có chứng cứ thuyết phục, phù hợp với chứng cứ khác. Cần nói thêm rằng, các quy định tố tụng nước ta hiện nay đã tiệm cận với quốc tế, trong đó có nguyên tắc “suy đoán vô tội” được các nghiên cứu đề cập khá nhiều. Không ai được phép vì một vài thông tin, hình ảnh, diễn biến chưa được kiểm chứng, tự suy diễn, gây ảnh hưởng đến uy tín của người khác. Hành vi sai phạm này tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu các trách nhiệm, kể cả hình sự nếu người bị xâm hại (thầy Hiệu phó) yêu cầu.

Tiến sĩ, luật sư Lương Khải Ân cho rằng kết luận điều tra khách quan, làm rõ vấn đề dư luận hoài nghi

Việc đưa những thông tin vụ việc lên mạng xã hội khi đang điều tra có đúng quy định pháp luật, thưa ông?

Những thông tin đưa lên mạng xã hội đều có 2 mặt nhất định. Mặt tích cực, nó cũng được xem là kênh thông tin giúp phản biện xã hội tốt. Vụ việc này gây xôn xao dư luận vì còn nhiều hoài nghi cần làm sáng tỏ, khi đó hoạt động điều tra sẽ kỹ lưỡng hơn, có kết luận khách quan nhất. Về pháp luật, những người biết việc có thể hợp tác với cơ quan công an, việc truyền tải các thông tin mình biết trên mạng xã hội, nếu không kiểm soát sẽ tạo ra những tương tác, lệch lạc về bản chất thực của nguồn tin (chứng cứ). Cần nói thêm rằng, pháp luật về bí mật Nhà nước trong lĩnh vực điều tra quy định tương đối cụ thể về trách nhiệm lưu giữ, bảo vệ chứng cứ. Cho dù vụ việc chưa khởi tố, các tài liệu như bản khai, đơn tố giác tội phạm lan truyền, định hướng dư luận không đúng sẽ chi phối, có thể dẫn đến sai sót nghiêm trọng về sau, nguy cơ dẫn đến vi phạm quy định về bí mật điều tra.

Xin cảm ơn ông!