Góc nhìn luật gia

Vụ tiêm vắc-xin "thần tốc: Cần xử lý nghiêm nữ cán bộ trục lợi

“Nếu ai cũng cậy có tiền để được tiêm trước thì rõ ràng sẽ không đảm bảo được sự công bằng trong việc tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19”.

Trước tình hình chống dịch Covid-19 như chống giặc, nhiều lực lượng đã xung phong ra tuyến đầu “đánh trận”, để lại đằng sau những nguy hiểm về sức khỏe bản thân để chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh. Thế nhưng, mới đây, một trường hợp ở cấp cơ sở lại có hành vi đi ngược lại với tinh thần chống dịch của Nhà nước, khiến nhiều người không khỏi bất bình.

Đó là trường hợp một nữ cán bộ phường Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội) vừa bị đình chỉ công tác do có liên quan đến việc tiêm vắc-xin “thần tốc” với giá 1 triệu đồng. Theo thông tin phản ánh tình trạng tiêm vắc xin “thần tốc” tại UBND phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, nếu bỏ một khoản phí nhất định “bồi dưỡng” cho một số trường hợp tại phường trên, người dân không những không phải chờ đợi mà còn được hưởng đặc quyền “nay đặt lịch, mai tiêm luôn”.

Ngay sau khi nắm được thông tin này, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố yêu cầu Công an thành phố khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ.

Trong trường hợp có sai phạm như trên thì hướng xử lý và những hệ lụy của sự việc này sẽ ra sao? PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Đình Ứng – Trưởng văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) để làm rõ những nội dung này.

Luật sư Bùi Đình Ứng – Trưởng văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng

Quan điểm của luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, Chính phủ chỉ đạo về việc tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân. Các đơn vị tổ chức tiêm tuyệt đối không được thu hay tiếp nhận bất kỳ chi phí nào liên quan, kể cả từ các nguồn tự nguyện ủng hộ.

Trước đó, một số đơn vị y tế, bệnh viện tư nhân đề nghị với Chính phủ xin được tiêm dịch vụ theo giá của Nhà nước nhưng Chính phủ không đồng ý bởi trước tình hình dịch bệnh thì đây không còn là câu chuyện về kinh tế, lúc này đó là câu chuyện mang tính nhân đạo, là trách nhiệm của Nhà nước, của Chính phủ với công dân của mình.

“Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo kiên quyết của của Chính phủ như vậy mà nhiều đơn vị y tế muốn xin tiêm dịch vụ còn không được thì huống chi là các đơn vị phường (xã), cơ sở tiêm chủng ở địa phương. Việc một cán bộ có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi chính là “con sâu làm rầu nồi canh”", luật sư Ứng nói.

Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, dù nhiều người sẵn sàng bỏ tiền túi ra, thậm chí phải dùng quan hệ, qua nhiều “cửa” để được tiêm trước, tiêm sớm, nhưng trách nhiệm của cán bộ là phải giải thích cho những người này hiểu về chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Nhà nước trong vấn đề tiêm phòng. Trước sau gì tất cả công dân đều được tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19, chỉ là đang phải tuân theo thứ tự nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm mà Nhà nước quy định.

“Những người cậy có tiền, bỏ tiền ra để được tiềm trước vì lo cho tính mạng của mình đầu tiên, nếu như vậy thì vô hình chung chỉ những người có tiền mới được tiêm trước còn người nghèo, không có tiền thì sẽ không được tiêm, hoặc được tiêm sau cùng. Rõ ràng như vậy sẽ không đảm bảo được sự công bằng trong việc tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19”, luật sư Ứng cho hay.

Luật sư Ứng cho rằng, từ sự việc trên, hành vi của nữ cán bộ xuất phát từ nhận thức yếu kém và xuất phát từ lòng tham. Vì lợi ích bản thân mà đi ngược lại với lợi ích chung của toàn xã hội, quan điểm của Chính phủ. Dưới góc độ đạo đức, lương tâm nghề nghiệp thì việc làm này là không thể chấp nhận được.

Xét về mặt pháp luật, nếu thực sự có hành vi như báo chí phản ánh thì đó là hành vi vi phạm pháp luật; căn cứ vào số tiền trục lợi, người này có thể bị xử lý hình sự chứ không đơn thuần là bị xử lý kỷ luật theo Luật cán bộ công chức.

Dưới góc nhìn của luật sư Bùi Đình Ứng, ở một khía cạnh khác: Khi mà những cán bộ, đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng quân đội, công an đang phải xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, đối mặt với bao khó khăn, vất vả, hy sinh thì hành vi của người như nữ cán bộ trong sự việc này thực sự khiến họ cảm thấy bị tổn thương.

Trong khi lực lượng tuyến đầu đang hy sinh quên mình vì lợi ích của nhân dân, của nhà nước thì có những người lại lợi dụng cơ hội này làm tiền của dân thì điều này là không thể chấp nhận. Công cuộc chống đại dịch Covid-19 không phải một sớm một chiều, vì vậy với những hành vi sai phạm cần lên án mạnh mẽ và cần phải xử lý nghiêm để giáo dục, cảnh tỉnh cho những người khác.

Ngoài trách nhiệm của nữ cán bộ phường nói trên, luật sư Ứng cho rằng người đứng đầu địa phương này cũng phải liên đới chịu trách nhiệm: “Nói gì đi nữa thì đối tượng không thuộc phường đến tiêm thì buộc người đứng đầu phải biết, phải nắm được danh sách cư dân thuộc phường mình. Qua sự việc cho thấy, công tác quản lý tại địa bàn còn yếu kém, tạo kẽ hở cho kẻ cơ hội trục lợi”.

Cùng trao đổi về vấn đề này, luật sư Trương Công Đức (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Nữ cán bộ phường trong sự việc trên đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để chiếm đoạt tài sản của người khác; hành vi này có dấu hiệu của Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355, BLHS năm 2015).

Theo đó, người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm.

Trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội từ 02 lần trở lên… thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm.

“Cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc điều tra làm rõ, trường hợp có sai phạm cần nhanh chóng có biện pháp xử lý để làm bài học giáo dục, răn đe các trường hợp tương tự”, luật sư Đức nói.