Hồ sơ điều tra

Vụ Thuduc House: Các bị cáo mong được khoan hồng

Được nói lời sau cùng, các bị cáo liên quan trong các sai phạm tại Thuduc House bày tỏ sự hồi hận, mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Ngày 24/6, phiên tòa sơ thẩm xét xử 67 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House), Cục thuế Tp.HCM và các đơn vị có liên quan, tiếp tục với phần tranh luận và cho các bị cáo nói lời sau cùng.

Các bị cáo tại tòa.

Tại các phiên tòa trước đó, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết. Trong đó, đại diện VKS xác định đối tượng Trịnh Tiến Dũng (48 tuổi, đang bỏ trốn) là người cầm đầu, chỉ đạo thành lập nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài để lập hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tại Mỹ, Campuchia, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Dũng đã thành lập, sử dụng 13 pháp nhân để ký các hợp đồng xuất nhập khẩu, giao nhận hàng hóa.

Tại Việt Nam, Dũng chỉ đạo Trần Hoàn Tiên - Giám đốc Công ty MEGA E&T VN, Trần Nhất Thanh - nhân viên làm thuê của Trịnh Tiến Dũng; Mạc Văn Nguyện, Nguyễn Hoàng Lân, Nguyễn Thiên Phú... thành lập một số doanh nghiệp, trong đó phần lớn là các công ty “ma” để lập hồ sơ nhập khẩu CD hoặc DVD Rom để chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài.

Ngược lại, xuất khẩu ram, chip, tranh gỗ để chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam với mục đích hoàn thuế giá trị gia tăng thông qua Thuduc House, Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Hoàng Nam Anh.

Sau khi làm thủ tục xuất khẩu linh kiện điện tử đi nhiều công ty ở nước ngoài, Dũng sử dụng các công ty trong nhóm mở tờ khai làm thủ tục nhập khẩu linh kiện điện tử lẫn với các loại hàng hóa khác quay lại Việt nam. Riêng linh kiện điện tử xuất khẩu qua Campuchia được nhập lậu về Việt Nam bằng cách gửi xe khách.

Từ tháng 2/2018 - 8/2019, Thuduc House Wood Trading mua hàng từ hai công ty do Dũng chỉ đạo rồi bán lại cho Thuduc House. Hàng hoá sau đó được mua bán lòng vòng qua các công ty “ma” của Dũng.

Để hợp thức hoá hồ sơ đầu vào, Thuduc House đã lập, ký 334 hợp đồng mua bán linh kiện điện tử trong nước với nhiều công ty với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó, có 10% tiền thuế GTGT là 365 tỷ đồng.

Bằng thủ đoạn nói trên, các bị can đã lừa đảo chiếm đoạt của nhà nước hơn 365 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Đối với bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, cựu Cục phó Cục Thuế Tp.HCM, bà Hạnh đã được báo cáo các dấu hiệu rủi ro về thuế liên quan đến các hồ sơ của Thuduc House nhưng không chỉ đạo các bộ phận tiến hành xác minh.

Bà Hạnh cũng cũng được xác định đã trực tiếp ký duyệt 15 quyết định hoàn thuế cho Thuduc House, gây thất thoát số tiền hơn 331 tỷ đồng.

Đối với 17 cán bộ của Cục Thuế Tp.HCM bị xác định ký duyệt đề xuất hoàn thuế, thẩm định hồ sơ hoàn thuế, thanh tra sau hoàn thuế... nhưng không thực hiện đúng nhiệm vụ.

Nhóm 7 bị cáo thuộc Cục hải quan Tp.HCM được giao nhiệm vụ kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định. Tuy nhiên, họ không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, dẫn đến không phát hiện 4 lô hàng được phân luồng đỏ khai báo hải quan không trùng khớp so với hàng hóa thực tế nhưng vẫn cập nhật thông tin lên hệ thống để thông quan. Do đó, không phát hiện được hành vi buôn lậu của Trịnh Tiến Dũng và đồng phạm.

Đối với các bị cáo là cán bộ thuế gồm: Đào Thị Nga, Nguyễn Phương Nam, Ngô Huỳnh Lũy nhận hàng trăm triệu đồng từ Lưu Thị Ngát để tạo điều kiện cho nhiều công ty hoạt động xuất hóa đơn giá trị gia tăng, kê khai khống hàng hóa đầu vào để khấu trừ thuế trên địa bàn mình được giao quản lý. Hành vi của nhóm cán bộ thuế này đã phạm vào tội Nhận hối lộ.

Đại diện VKSND Tp.HCM căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo, đã đề nghị tòa án cung cấp tuyên phạt các bị cáo mức án tương xứng.

Cụ thể, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, cựu Phó cục trưởng Cục thuế Tp.HCM mức án 4-5 năm tù về tội Vi phạm quy định quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Bị truy tố cùng tội danh, 14 thuộc cấp của bà Hạnh bị đề nghị phạt từ 2-3 năm tù hưởng án treo đến 4-5 năm tù giam.

Về hành vi nhận hối lộ, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt Nguyễn Phương Nam từ 12-13 năm tù, Đào Thị Nga từ 5-6 năm tù, Ngô Huỳnh Lũy từ 3-4 năm tù.

Nhóm 7 bị cáo thuộc Cục hải quan Tp.HCM đều được VKS đề nghị án tù nhưng cho hưởng án treo.

Viện KSND Tp.HCM đề nghị 2 mức phạt tiền 1,8 tỷ đồng đối với 2 bị cáo Nguyễn Đình Trung (1 tỷ đồng) và bị cáo Trần Minh Cường (800 triệu đồng) về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

Đối với các bị cáo còn lại, là đồng phạm của Trịnh Tiến Dũng trong các hành vi buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Viện KSND TP.HCM đề nghị từ 18 tháng - 26 năm tù.

Được nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo guyễn Vũ Bảo Hoàng - Tổng Giám đốc Thuduc House cho rằng mình đi du học sớm, sau đó về nước và công tác tại Thuduc House cho đến khi bị bắt.

Cũng theo bị cáo Hoàng, khi bị khởi tố, bắt tạm giam bị cáo nghĩ mình bị oan, nhưng khi nhận được kết luận điều tra, bị cáo mới biết mình đang nằm trong đường dây tội phạm quá tinh vi và quy mô của Trịnh Tiến Dũng. “18 tháng tạm giam, bị cáo đã hiểu và nhận ra hành vi sai phạm của mình”, bị cáo Hoàng trình bày.

Nhóm bị cáo là lãnh đạo, nhân viên của Thuduc House và các công ty thành viên khác như: Nguyễn Ngọc Trường Chinh - Phó Tổng giám đốc Thuduc House; Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng phòng Kinh doanh Thuduc House, kiêm Giám đốc Công ty CP Thuduc Wood; Quan Minh Tuấn - Kế toán trưởng Thuduc House; Nguyễn Văn Lành - Giám đốc Công ty TNHH thương mại An Lành Phát và Công ty TNHH Bình Thạnh…cũng thừa nhận hành vi phạm tội và mong được pháp luật khaon hồng.

Các bị cáo nguyên là cán bộ thuộc Chi cục Thuế Tp.HCM trình bày có hàng chục năm công tác và đóng góp nhiều cho ngành thuế. Vì tai nạn nghề nghiệp, vướng lao lý nên mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Các cựu cán bộ hải quan Tp.HCM cũng mong HĐXX xem xét, cân nhắc khi lượng hình.

Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX tuyên bố nghỉ nghị án và sẽ tuyên án vào 15h ngày 30/6 tới đây.