Hồ sơ điều tra

Vụ tai nạn tại thủy điện Plei Kần: Công an chưa cung cấp tài liệu

Vụ tai nạn tại thủy điện Plei Kần khiến 3 người chết, 3 người bị thương, đến nay các Sở, ngành chưa nắm được kết quả vì công an chưa cung cấp tài liệu.

Tai nạn thương tâm

Vụ tai nạn lao động khiến 3 người chết, 3 người bị thương xảy ra tại thủy điện Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) do công ty Cổ phần Tấn Phát  làm chủ đầu tư xảy ra đã lâu nhưng chưa có kết quả điều tra cụ thể khiến dư luận xôn xao.

UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh khẩn trương xác minh, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước 30/11.

Tuy nhiên, đến 3/12, đã quá thời hạn nhưng cơ quan chức năng vẫn “lúng túng” chưa có kết quả cụ thể, chưa thể báo cáo vì chưa tiếp cận được hồ sơ. Lý do được sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum đưa ra, vì phía công an chưa cung cấp tài liệu liên quan theo yêu cầu.

Theo sở LĐTB&XH tỉnh Kon Tum, mặc dù Sở đã có công văn yêu cầu Công an tỉnh Kon Tum chỉ đạo Công an huyện Ngọc Hồi cung cấp tài liệu gồm, sơ đồ hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi.

Thế nhưng, đến nay Công an huyện Ngọc Hồi chưa cung cấp tài liệu để Sở có cơ sở kết luận.

Thủy điện Plei Kần nơi xảy ra sự cố tai nạn lao động khiến 3 người chết, 3 người bị thương.

Đồng thời, chưa có cơ sở để giải quyết chế độ bồi thường cho gia đình người bị nạn theo luật định và lập biên bản xử lý vi phạm trong lĩnh vực lao động.

Do vậy, sở LĐTB&XH tỉnh Kon Tum vẫn chưa thể có kết luận, tham mưu cho UBND tỉnh để báo cáo kết quả điều tra cho thường trực Tỉnh ủy Kon Tum nắm rõ vụ việc.

Liên quan đến việc kiểm tra an toàn lao động quá trình thi công tại thủy điện Plei Kần, theo sở LĐTB&XH tỉnh Kon Tum, số lao động tại thủy điện có 33 người ký hợp đồng từ 12 - 36 tháng và có 6 người không ký hợp đồng lao động (đây là 6 nạn nhân trong vụ tai nạn đứt cáp khiến 3 người chết, 3 người bị thương, có 1 lao động là trẻ em 16 tuổi).

Tuy nhiên, thông tin về 6 nạn nhân này vẫn chung chung, không có thông tin cụ thể đầy đủ tuổi tác, địa phương cư trú.

Xác định 6 người này nằm trong hợp đồng giao khoán giữa công ty Tấn Phát và ông Phạm Văn Thiệp thuê lao động làm nhiệm vụ dọn dẹp mặt bằng, trát công trình.

Mắc hàng loạt sai phạm

Trước đó, ngày 23/11 UBND tỉnh Kon Tum có văn bản yêu cầu sở LĐTB&XH, sở Xây dựng, sở Công Thương và Công an tỉnh Kon Tum triển khai thanh tra công tác đảm bảo an toàn lao động, tai nạn lao động tại công trình thủy điện Plei Kần, nơi xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 người chết và 3 người khác bị thương vào tháng 5/2020.

Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu sở LĐTB&XH căn cứ kết luận của đoàn Điều tra tai nạn lao động tại thủy điện Plei Kần (ngày 1/6), tham mưu cho UBND tỉnh để báo cáo kết quả điều tra cho Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum.

Trường hợp chưa có kết luận chính thức, yêu cầu Giám đốc sở LĐTB&XH chủ trì phối hợp với sở Công Thương, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành thành lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra công tác đảm bảo an toàn lao động tại thủy điện Plei Kần.

Trước đó, Người Đưa Tin Pháp luật phản ánh, thủy điện Plei Kần thực hiện việc tích nước trái quy định, làm ngập lụt đường dân sinh, làm hơn 300ha hoa màu của người dân xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô bị thiệt hại.

Thủy điện Plei Kần tích nước trái phép làm hơn 300ha hoa màu của người dân bị ngập, đường dân sinh bị cô lập.

Thực trạng trên diễn ra trong thời gian dài khiến người dân bức xúc gửi đơn thư phản ánh vượt cấp đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ngày 26/10, sau khi kiểm tra, sở Công Thương tỉnh Kon Tum làm việc trực tiếp với công ty Cổ phần Tấn Phát.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo sở Công Thương yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc tích nước trái phép, đưa diện tích nước lòng sông về mức tự nhiên.

Ngoài ra, chủ đầu tư phải phối hợp với chính quyền địa phương kiểm kê, rà soát diện tích hoa màu của người dân bị thiệt hại, bồi thường thỏa đáng cho dân theo quy định của pháp luật (việc bồi thường phải hoàn tất trong tháng 11/2020).

Sở Công Thương nhấn mạnh, nếu đơn vị chủ đầu tư thủy điện Plei Kần tiếp tục tích nước trái quy định, không hoàn thành công tác bồi thường, Sở sẽ đề nghị tổng công ty Điện lực miền Trung không huy động công suất nhà máy.

Bên cạnh đó, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh, đề nghị bộ Công Thương thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của đơn vị này.

Thủy điện Plei Kần thi công từ tháng 4/2018, công suất 17MW do công ty Cổ phần Tấn Phát làm chủ đầu tư.

Dù xảy ra nhiều sai phạm nhưng công ty Cổ phần Tấn Phát mới chỉ bị xử phạt hành chính 25 triệu đồng.