Giáo dục

Vụ sửa điểm ở Sơn La: Những lời khai hài hước khiến "trẻ con còn không tin"

Theo TS. Nguyễn Văn Khải, nếu lời khai của một số cán bộ ngành GD&ĐT Sơn La là đúng khi chỉ được phụ huynh nhờ xem điểm mà lại đi nâng điểm thì cần đưa đi giám định tâm thần.

Vụ việc gian lận nâng điểm thi THPT Quốc gia 2018 ở Sơn La vẫn đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Tại kết luận của cơ quan An ninh điều tra đã có nhiều lời khai của phụ huynh, người thân và cả thí sinh.

Điều đáng nói, hầu hết những lời khai đều thể hiện việc chuyển thông tin cá nhân của thí sinh chỉ là nhờ xem để biết điểm trước.

Điển hình như trường hợp ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La ban đầu thừa nhận chuyển thông tin của 8 thí sinh cho bị can Trần Xuân Yến chỉ để nhờ xem điểm, sau đó ít ngày ông Đức lại phủ nhận lời khai của chính mình.

Lời khai của ông Đức được cho rằng không đáng tin bởi trước khi vụ gian lận thi cử này bị phanh phui thì chính vị Giám đốc sở GD&ĐT địa phương này từng trả lời báo chí rằng: "Anh em chấm theo đúng quy trình quy định và cho ra kết quả như thế, tôi làm sao biết được”.

Một số cán bộ liên quan đến đường dây nâng điểm ở Sơn La.

Đồng thời vị này còn khẳng định, kết quả thi của những thí sinh điểm cao ở Sơn La là do sự cố gắng nỗ lực của thầy cô, của bản thân các em, và cũng khó mà nói (giải thích) được việc cao, thấp.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh khai "chỉ nhờ xem điểm, không có lợi ích vật chất gì", thậm chí có người còn khai, được một vị khách "không nhớ tên" nhờ chuyển thông tin cá nhân thí sinh đến ông Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La để nhờ xem điểm. Những lời khai kiểu trên khiến nhiều người cảm thấy hài hước và cho rẳng "trẻ con còn không tin". 

Chia sẻ với phóng viên về những lời khai này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải (Hà Nội) nói rằng: "Nếu cơ quan chức năng địa phương không thể chứng minh được động cơ của việc chuyển, nhận thông tin thí sinh thì nên để bộ Công an làm và phải áp dụng những phương pháp nghiệp vụ để làm cho rõ ràng".

TS. Nguyễn Văn Khải bày tỏ bức xúc về thái độ khai báo của cán bộ liên quan đến vụ sửa điểm.

"Nếu những lời khai của các phụ huynh và các đối tượng trung gian là đúng thì cơ quan chức năng cần khẩn trương tổ chức khám tâm thần cho những đối tượng này, bởi không có lẽ người ta chỉ nhờ xem điểm mà lại tự liều lĩnh đi nâng điểm, mang bài thi về nhà để sửa điểm".

Vậy chỉ có kẻ có vấn đề về tâm lý mới làm việc ấy, không ai dại dột mang cả danh dự, sinh mệnh chính trị và cuộc sống để làm việc vi phạm pháp luật mà không có lợi ích gì", vị Tiến sỹ bày tỏ.

Cũng theo ông Khải, nếu những lời khai thiếu thành khẩn thì cũng cho thấy những người này chưa nhận ra lỗi lầm để sửa chữa mà mãi sống trong giả dối. "Vì vậy họ không xứng đáng hưởng sự nhân văn, khoan hồng của pháp luật. Liệu chúng ta có làm sáng tỏ được sự việc, đưa cái sai, những người vi phạm pháp luật ra ánh sáng, hay phải bó tay trước sự gian dối?", ông Khải nói.

Cùng nhận định với phóng viên, một số luật sư cho rằng, cơ quan chức năng có nhiều nghiệp vụ để chứng minh động cơ, mục đích thực sự của các đối tượng chuyển thông tin thí sinh chứ không thể chỉ căn cứ lời khai vì "chẳng ai dại mà lại vi phạm quy chế để xem điểm hay nhận mình đưa tiền để chạy điểm".