Góc nhìn luật gia

Vụ sập tường làm 10 người tử vong tại Đồng Nai: Nạn nhân và gia đình được bồi thường thế nào?

Bước đầu, Công an tỉnh Đồng Nai đã tạm giữ hình sự các đối tượng liên quan đến vụ sập tường làm 10 người chết và 14 người bị thương tại KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Liên quan đến vụ tai nạn lao động xảy ra tại công trình xây dựng của công ty AV Healthcare thuê đất trong KCN Giang Điền, sáng 15/5, cơ quan điều tra đã tạm giữ các cá nhân thuộc đơn vị nhà thầu, thi công, giám sát để điều tra.

Hiện trường vụ sập tường (ảnh chụp trưa 15/5).

Các cá nhân bị tạm giữ gồm: Giám đốc công ty TNHH Hà Hải Nga (nhà thầu xây dựng công trình) và 2 người thuộc đơn vị thi công, giám sát.

Trao đổi với PV, luật sư Trần Đình Dũng, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, sau khi điều tra, xác định nguyên nhân sập tường là do lỗi của công ty (chủ đầu tư, chủ công trình) hay nhà thầu công trình, ngoài việc bị xử lý hình sự, các đơn vị này còn phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho nạn nhân.

Về xử lý hình sự, đơn vị, các nhân gây ra lỗi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Đến trưa 15/5, lực lượng chức năng vẫn đang phong tỏa hiện trường, điều tra vụ việc.

Về trách nhiệm dân sự, trong trường hợp thiệt hại trong xây dựng, có thể áp dụng Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra.

Theo đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng đó gây thiệt hại cho người khác.

Nếu người có lỗi là phía thi công thì người thi công phải liên đới bồi thường.

Các thiệt hại được liệt kê bao gồm: Chi phí cấp cứu, nằm việc, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thương, bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Mức bồi thường sẽ được tính theo thiệt hại thực tế.

Ngoài ra, phải đền bù khoản chi phí tổn thất tinh thần để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nạn nhân.

Mức bồi thường do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Chính phủ có ban hành Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 về việc bắt buộc đóng bảo hiểm các công trình xây dựng.

Nếu chủ đầu tư hoặc đơn vi thi công có đóng bảo hiểm thì phía bảo hiểm chi trả 1 phần các chi phí này.

Thời điểm này, nạn nhân bị thương và người thân các nạn nhân đã mất phải lưu giữ hồ sơ nằm viện, biên lai các chi phí cấp cứu, điều trị và các hóa đơn liên quan đến việc mai táng cho nạn nhân.

Sau này, khi cơ quan chức năng làm việc sẽ thống kê cụ thể để tính toán chi phí đền bù hợp lý.

Một số nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Theo luật sư Dũng, để truy tố đòi hỏi phải điều tra, làm rõ nguyên nhân để xảy ra tai nạn là do đơn vị, cá nhân nào.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ các vấn đề như: Thiết kế, kết cấu của công trình, quá trình thi công công trình có đảm bảo đúng thiết kế, tiêu chuẩn, kỹ thuật hay không, có thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, có sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động không.

Ngoài ra, cần giám định chất lượng nguyên vật liệu thi công như xi măng, cát, sắt thép, hồ vữa… Nếu sai ở đâu thì xử lý đến đó.

“Theo tôi, khi chưa có kết luận điều tra, điều quan trọng nhất và thiết thực bây giờ là kịp thời cấp cứu, chữa trị cho những nạn nhân bị thương.

Ngoài ra, phải động viên hỗ trợ những gia đình có người thiệt mạng. Nạn nhân ở xa cần được hỗ trợ xe cộ để đưa về quê. Gia đình những người tử nạn phải được hỗ trợ chi phí mai táng”.

“Trước mắt, đơn vị trực tiếp sử dụng lao động nên có trách nhiệm hỗ trợ các khoản chi phí trên cho nạn nhân bị thương và gia đình những người đã thiệt mạng”, luật sư Dũng nói.

Như tin đã đưa, chiều 14/5, 1 vụ sập tường đã xảy ra tại công trình xây dựng thuộc công ty AV Healthcare (Hàn Quốc).

Khi hàng chục công nhân đang làm việc trên công trường thì bức tường cao khoảng 10m, dài khoảng 100m bất ngờ đổ sập xuống khiến nhiều người bị vùi lấp. Tai nạn khiến 10 người tử vong, nhiều người bị thương.

Sau tai nạn xảy ra, lãnh đạo và các ban ngành tỉnh Đồng Nai đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ, khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân.

Luật sư Trần Đình Dũng.

Bộ Công an, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn lao động; thường xuyên rà soát, kiểm tra, thanh tra các công trình xây dựng trên địa bàn, kiên quyết đình chỉ thi công nếu không đảm bảo an toàn cho người lao động.

Được biết, tai nạn xảy ra tại công trường thi công nhà xưởng của công ty AV Healthcare, diện tích hơn 21.000m2 trong khu Công nghiệp Giang Điền. Việc xây dựng do công ty AV Healthcare tự thuê đơn vị thi công.

Danh sách 10 nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn:

  1. Chương Thanh Tùng (SN 1980, ngụ huyện Thới Lai, Cần Thơ)
  2. Lý Văn Thu (SN 1974, ngụ Phú Thiên, Gia Lai)
  3. Dương Huỳnh Minh Nhật (SN 2001, ngụ Gò Công Tây, Tiền Giang)
  4. Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1978, ngụ Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang)
  5. Hồ Văn Hoa (SN 1969, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
  6. Trần Lèn Sái (SN 1973, ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang)
  7. Trần Xuân Anh (SN 1980, ngụ huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh)
  8. Nguyễn Văn Điệp (SN 1983, ngụ huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau)
  9. Nguyễn Văn Cường (SN 1964, ngụ tỉnh Cà Mau)
  10. Phạm Minh Tân (SN1955, ngụ xã Tam Phước, TP.Biên Hòa, Đồng Nai).