Sự kiện

Vụ rừng phòng hộ bị “xẻ thịt” ở Thanh Hóa: Chủ rừng là chủ tịch và cán bộ địa chính

Được Nhà nước giao diện tích lớn rừng phòng hộ để quản lý, chăm sóc và bảo vệ, nhưng Chủ tịch và cán bộ địa chính cấp xã ở Thanh Hóa lại để lâm tặc ngang nhiên vào rừng chặt phá mà không hề hay biết.

Ngày 20/5, Người Đưa Tin Pháp Luật có bài viết: “Hàng loạt cây gỗ rừng tự nhiên, đường kính lớn ở Thanh Hóa bị "lâm tặc" chặt hạ. Nội dung phản ánh, từ thông tin bạn đọc cung cấp, PV đã trực tiếp tới hiện trường để kiểm tra, xác minh thông tin gỗ rừng phòng hộ tại địa phận xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân bị lâm tặc chặt phá. 

Tại hiện trường, hàng loạt cây gỗ tự nhiên có đường kính từ 20 – 30cm, khoảng vài chục năm tuổi đã bị lâm tặc chặt hạ không thương tiếc. Phần lớn số gỗ khai thác được đã đưa ra ngoài tiêu thụ, một số ít còn lại đang tập kết trong rừng.

Khu rừng bị chặt phá cách không xa UBND xã Xuân Chinh, chỉ có một con đường độc đạo đi vào, nhưng không hiểu vì sao lâm tặc vẫn vô tư hoành hành, chặt phá một lượng lớn cây gỗ và tập kết đưa ra ngoài.

Nhận được phản ánh, Chi cục kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã cử ngay một tổ công tác "hỏa tốc" lên xã Xuân Chinh cùng với Hạt kiểm Lâm Thường Xuân và chính quyền địa phương trực tiếp vào rừng kiểm tra, ghi nhận thực tế.

Ông Phạm Thăng Long - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân cùng đoàn công tác đi kiểm tra rừng bị phá.

Cùng ngày, ông Lê Quốc Việt – Phó chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản số 383/CCKL – TTrPC gửi Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Thường Xuân, Như Xuân.

Nội dung, giao hạt Kiểm lâm tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra (mỗi huyện một đoàn) xác định cụ thể, chính xác địa điểm bị khai thác gỗ (lô, khoảnh, tiểu khu, loại rừng …); tổ chức truy dấu vết, đường vận chuyển gỗ từ rừng ra để phát hiện điểm tập kết, nơi tiêu thụ; nếu xác định có dấu hiệu tội phạm phải phối hợp với cơ quan công an, viện kiểm sát huyện lập biên bản khám nghiệm hiện trường, làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự.

Kết quả kiểm tra ở mỗi huyện, hạt Kiểm lâm báo cáo thường trực huyện ủy, UBND huyện và chi cục Kiểm lâm để phối hợp chỉ đạo; trường hợp gỗ bị khai thác chủ yếu ở một huyện thì hạt kiểm lâm đó có trách nhiệm tham mưu cho UBND huyện để trả lời cơ quan báo chí.

Ngày 22/5, ông Đỗ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân đã ký Văn bản số 230/BC – UBND, báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh phản ánh của báo chí về khai thác rừng tại xa Xuân Chinh, huyện Thường Xuân.

Ông Vi Văn Dũng - Cán bộ địa chính xã Xuaab Chinh (người đia trước) cùng đoàn công tác đi kiểm tra rừng.

Cụ thể, ngày 20/5, dưới sự chỉ đạo của chi cục Kiểm lâm, đoàn kiểm tra chi cục phối hợp với đoàn kiểm tra của huyện và phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật tiến hành kiểm tra rừng tại thôn Tú Ạc, xã Xuân Chinh là khu vực giáp ranh với xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân, phát hiện tại lô 11, khoảnh 5a, 5b, tiểu khu 561, có 15 cây gỗ, sản phẩm nhóm 6 đến nhóm 7 khai thác trái pháp luật, khối lượng là 3,8m3.

Cụ thể, tại lô 11, khoảnh 5a, tiểu khu 561, loại rừng phòng hộ, được giao cho hộ gia đình ông Vi Văn Dũng trú tại thôn Tú Ạc, xã Xuân Chinh bị khai thác 6 cây gỗ, thuộc nhóm 7, khối lượng 1,25 m3, thời điểm khai thác là tháng 3/2020.

Tại lô 11, khoảnh 5b, tiểu khu 561, thuộc rừng phòng hộ được giao cho hộ ông Cầm Bá Đức, trú tại thôn Chinh, xã Xuân Chinh bị khai thác 9 cây gỗ rừng thuộc nhóm 7, khối lượng là 2,59m3.

Tiến hành kiểm tra mở rộng không phát hiện có khai thác gỗ trái pháp luật.

Theo tìm hiểu của PV, ông Cầm Bá Đức hiện là Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc (nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh), còn ông Vi Văn Dũng là cán bộ địa chính xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân.

Một cây gỗ rừng phòng hộ bị "xẻ thịt", nhưng chưa kịp đưa ra ngoài.

Ông Cầm Bá Đức thừa nhận, số cây gỗ rừng phòng hộ bị phá tại lô 11,  khoảnh 5b, tiểu khu 561 được giao cho hộ gia đình chăm sóc, quản lý và bảo vệ. Hiện, gia đình ông này được giao 15ha rừng phòng hộ tại xã Xuân Chinh và hàng năm đều được nhận tiền chăm sóc, bảo vệ rừng.

“Anh đi làm bận quá không có ở nhà không kiểm tra được mà xa nhà quá. Rừng thì có lâm tặc phá thôi. Anh đi kiểm tra suốt có thể họ làm ban đêm”, ông Đức cho biết.

PV liên hệ với ông Đỗ Xuân Nam – Bí thư Huyện ủy và ông Cầm Bá Xuân – Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân để hỏi về trách nhiệm, hướng xử lý của huyện đối với chủ tịch xã Xuân Lộc và cán bộ địa chính xã Xuân Chinh (là chủ hộ gia đình) được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, nhưng để lâm tặc chặt phá thì nhận được câu trả lời “đang bận họp” và đề nghị chúng tôi liên hệ với văn phòng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của vụ việc!