An ninh - Hình sự

Vụ phá rừng ở TT-Huế: Một người khai xẻ gỗ về làm nhà, 3 người đi hỗ trợ

Lời khai của một số đối tượng liên quan đến vụ chặt hạ 24 cây rừng trái phép ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Liên quan đến vụ chặt hạ 24 cây rừng trái phép ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế, như Người Đưa Tin đã đăng tải, sau khi triệu tập 12 người làm việc, đã có 8 đối tượng khai nhận các hành vi của mình.

Một số đối tượng thực hiện hành vi vác gỗ sau khi cưa xẻ ra khỏi rừng (Ảnh: Công Tuấn)

Trong đó, có 4 đối tượng cưa xẻ và vác gỗ từ trong rừng ra gồm: Hoàng Văn Q., Hoàng Xuân H., Hoàng Văn C., cùng trú thôn 4, xã Thượng Quảng và Trần Văn Đ. trú ở thôn Bá Tang, xã Hương Hữu, huyện Nam Đông.

Cụ thể, ông Hoàng Văn Q. khai nhận có cưa xẻ gỗ và nhờ 3 đối tượng còn lại là Hoàng Xuân H., Hoàng Văn C. và Trần Văn Đ. vác về để làm nhà. Ông này cho biết, được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng theo chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm.

Ông Trần Văn Đ. khai giúp đưa gỗ về để tại nhà ông Hoàng Văn Q., xong việc chỉ ăn nhậu, không lấy tiền công. Ông Hoàng Xuân H., Hoàng Văn C. cũng đều khai nhận là đi vác gỗ do ông Q. nhờ, chỉ đi 01 lần và việc cưa xẻ do ông Q. thực hiện ở khu vực khe La Ma. 

Hiện Ban Chỉ đạo 342 (Ban được UBND huyện Nam Đông thành lập để điều tra, xử lý vụ phá rừng này) đang tích cực thực hiện các bước để xử lý vụ việc.

Theo đó, ngoài sử dụng các biện pháp “rắn” để tăng cường công tác bảo vệ rừng như: Thành lập chốt bảo về rừng đóng tại khu vực yết hầu để ngăn chặn khai thác, vận chuyển gỗ bằng trâu kéo, hoàn thành trước ngày 03/4 với lực lượng gồm 6 người chốt chặn 24/24 các ngày trong tuần; xây dựng Kế hoạch truy quét bảo vệ rừng từ nay đến ngày 30/4. Mặt khác, tiếp tục kiểm tra trên diện rộng diện tích rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông; Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông đã hợp đồng thêm 4 người làm nhiệm vụ QLBV rừng; Tham mưu UBND huyện Nam Đông thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra giấy phép hành nghề, hoạt động của 32 xưởng cưa, xưởng mộc trên địa bàn nhằm để tuyên truyền các quy định về quản lý lâm sản, nếu phát hiện vi phạm đề xuất thu hồi giấy phép, cho ngừng hoạt động…

Ban 343 còn chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ rừng không vi phạm pháp luật lâm nghiệp đối với các đối tượng nghi vấn tham gia khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, chủ trâu kéo, các xưởng cưa trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền đến các thành viêntrong cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, cung cấp thông tin đối tượng vi phạm để điều tra xử lý…

Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục đấu tranh các đối tượng vi phạm để làm rõ tính chất, mức độ vi phạm theo đúng thực tế để xử lý theo quy định pháp luật.

Như trước đó Người Đưa Tin đã đăng tải, nhận được phản ánh về tình trạng khai thác rừng trái phép, Hạt Kiểm lâm Nam Đông đã khẩn trương phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông tiến hành kiểm tra hiện trường.
Qua kiểm tra lần đầu, lực lượng chức năng phát hiện 12 cây gỗ gồm các chủng loại gỗ Đào, Trám, Chò bị chặt hạ, dấu vết còn mới. Ngoài ra, Đoàn còn phát hiện 7 gốc cây cũ đã chặt hạ từ lâu.
Khu vực rừng này thuộc phạm vi quản lý của 4 chủ rừng gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông; Cộng đồng thôn 2; Nhóm 1, thôn 4 xã Thượng Quảng và UBND xã Thượng Quảng.
Sau đó, để thống kê, xác minh sự việc khách quan hơn, UBND huyện Nam Đông cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo 343 để điều tra, xử lý vụ việc. Ban gồm nhiều thành phần: Đại diện UBND huyện, Công an huyện, Hạt Kiểm lâm huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông, UBND xã Thượng Quảng…
Qua đó, sau khi Đoàn kiểm tra do Ban chỉ đạo 343 thành lập thực địa hiện trường, theo thống kê, có 24 cây gỗ bị chặt hạ là 24 cây, trong đó số cây mới bị cưa hạ là 17cây, chủng loại gỗ là Đào, Trâm đỏ, Chò; có 7 gốc cũ đã chặt hạ từ lâu.
Trong đó, rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông quản lý bị chặt hạ 09 cây (gồm 01cây Chò, 06 cây Đào, 01 cây Trâm đỏ, 01 cây Sến); Rừng của Cộng đồng thôn 2 xã Thượng Quảng bị chặt 05 cây Đào; Rừng của Nhóm 1, thôn 4 xã Thượng Quảng bị chặt 02 cây Đào; Rừng UBND xã Thượng Quảng quản lý bị chặt hạ 01 cây Chua trường.

Lê Kông