Hồ sơ điều tra

Vụ ô tô lao xuống sông làm 3 người chết: Biển đường cụt bị che khuất!

Biển báo đường cụt trước ngã tư hai đầu dẫn xuống cầu phao không còn sử dụng đặt tại vị trí không thuận lợi cho tầm quan sát và đã bị che khuất.

Vào 3h ngày 11/10, tại thị trấn Vân Phong, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) xảy ra vụ tai nạn thương tâm khi chiếc xe ô tô 7 chỗ mang BKS 36A - 460.50 lao xuống sông Mã, khiến 3 người tử vong.

Con đường chiếc ô tô lao xuống sông gặp nạn là đường cụt. Trước đây, tại vị trí này có 1 cầu phao bắc qua sông Mã, nhưng hiện cầu phao đã bị dỡ bỏ vì đã có cầu cứng qua sông tại vị trí khác.

Các nạn nhân gồm anh Đinh Tấn Th., Lê Cảnh H. (cùng SN 1983), trú tại thị Trấn Yên Cát, huyện Như Xuân và Quách Công T. (SN 1984), trú tại thôn 7, xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).

Lực lượng chức năng trục vớt chiếc ô tô và thi thể các nạn nhân lên bờ.

Nguyên nhân chiếc xe gặp nạn có thể do đêm tối, tài xế không biết đây là đường cụt, không làm chủ được tốc độ nên đã lao xuống sông. Theo rất nhiều người dân, nếu không phải là người địa phương, vào đêm tối, tài xế rất khó phát hiện đây là đường cụt dẫn xuống sông.

Thời điểm trục với, thi thể cả ba nạn nhân đều ở trong xe và cửa kính hai bên, phía trước chiếc xe đang mở. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, nhiều người dân đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong việc cắm biến cảnh báo tại tuyến đường này.

Theo quan sát của PV, con đường chiếc xe gặp nạn lao xuống sống trước đây là Quốc lộ 217. Tại vị trí ngã tư dẫn vào tuyến đường này có đặt 2 biển báo hiệu đường cụt. Tuy nhiên, 2 biển báo này đặt tại vị trí không thuận lợi cho tầm quan sát của người tham gia giao thông, thậm chí còn bị lá cây và cột đèn đường che khuất.

Nhìn theo chiều dọc của mặt đường, biển báo đường cụt (vòng tròn đỏ) đã bị chiếc cột đèn chiếu sáng phía trước che khuất.

PV phải đặt máy ảnh lệch với chiều dọc của đường mới chụp được biển báo đường cụt do bị cột đèn chiếu sáng che khuất.

Theo hướng di chuyển của chiếc xe gặp nạn khi lao xuống sông không có biển báo hiệu nhắc lại đường cụt, không có biển cảnh báo nguy hiểm mà chỉ có biển cảnh báo đường hẹp.

Ông Hoàng Thế Hiền – Trưởng phòng kinh tế - hạ tầng UBND huyện Cẩm Thủy cho biết, con đương chiếc xe lao xuống sông là đường nội thị của huyện. Tại ngã 4 bắt đầu dẫn vào đường đều có biển báo đường cụt. Tuy nhiên, ông Hiền thừa nhận, cả hai biển này đã bị lá cây và cột đèn che khuất.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ di dời biển đường cụt xuống dưới một tý cho dễ quan sát và sẽ cắm 1 cái biến báo đường cụt nhắc lại. Ngoài ra, chúng tôi sẽ xem xét đặt biển cảnh báo nguy hiểm hoặc gờ giảm tốc. Việc đặt rào chắn bịt con đường lại sẽ không thực hiện được vì đây là nơi người dân neo đậu thuyền và người dân đi xuống bờ sông qua bờ kè", ông Hiền thông tin.

Con đường chiếc xe 7 chỗ lao xuống sông gặp nạn khiến 3 người tử vong.

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm, đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến nhiều người thiệt mạng. Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ nguyên nhân sự vụ tai nạn để có kiến nghị xử lý theo quy định pháp luật.

"Cơ quan điều tra sẽ làm rõ các biển hiệu, biển cảnh báo tại này như thế nào? Từ khi chiếc cầu phao bị gỡ bỏ thì có cấm biển cảnh báo đường cụt hoặc biển cấm hay không? Có rào chắn đề phòng tình huống xe mất lái lao xuống sông hay không? Sau khi gỡ bỏ cầu phao, đơn vị quản lý cầu đường đã có giải pháp đề phòng tai nạn giao thông, đã cắm biển chỉ dẫn, cảnh báo hay chưa cũng cần phải làm rõ? Trong trường hợp tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý giao thông mà không đặt biển hiệu cảnh báo, không có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự" – Luật sư Cường cho hay.

Biển báo đường cụt ở phía Bắc (khoanh tròn đỏ) dẫn xuống cầu phao không còn sử dụng đã bị lá cây che khuất, dù ban ngày cũng rất khó quan sát.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Điều 37, luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, UBND tỉnh trở lên có thẩm quyền tổ chức giao thông, trong đó có thẩm quyền về đặt các loại biển báo giao thông. Biển báo phải tuân thủ đúng hình dáng và tiêu chuẩn kỹ thuật Điều 89 mục 2.3 Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ kèm theo thông tư 06/2016 của bộ Giao thông vận tải.

Trong trường hợp chính quyền địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức giao thông đã cắm biển hiệu, cảnh báo, có giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông nhưng người điều khiển phương tiện giao thông đã thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn giao thông và người đó thiệt mạng thì lúc đó, trách nhiệm pháp lý của cơ quan chức năng mới không đặt ra.