Sự kiện

Vụ nữ cán bộ công an "náo loạn" sân bay Tân Sơn Nhất: Cảng vụ hàng không miền Nam đã làm tròn bổn phận?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, việc lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt 200.000 đồng đối với hành khách Lê Thị Hiền theo Nghị định 167 về hành vi gây mất trật tự ở khu vực Cảng là chưa phù hợp với tính chất của sự việc.

Liên quan đến vụ việc nữ hành khách có tên Lê Thị Hiền (36 tuổi, cán bộ công tác tại Công an quận Đống Đa - Hà Nội), mẳng chửi thậm tệ nhân viên tại quầy làm thủ tục hành lý của Vietnam Airlines tại Tân Sơn Nhất khiến dư luận bức xúc.

Mặc dù cơ quan chức năng đã có đưa ra hình thức xử phạt hành chính 200 nghìn đồng, cấm bay 12 tháng đồng thời đình chỉ công tác 30 ngày đối với nữ cán bộ này. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng vụ việc vẫn còn nhiều điểm cần làm rõ. Liệu rằng bản thân hãng hàng không Vietnam Airlines, Cảng vụ hàng không miền Nam đã làm đúng trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi của nhân viên trong vụ việc trên? Tại sao vụ việc chỉ vỡ lở khi đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội? Nếu không có đoạn clip đó thì có lẽ vụ việc đã lặng lẽ "chìm xuồng" với mức phạt 200 nghìn đồng?

Sự việc xảy ra vào khoảng 13h35 ngày 11/8/20919, khi hành khách Lê Thị Hiền đi cùng khách Ngô Tiến Dũng và Lê Bảo An đến làm thủ tục chuyến bay VN248 lộ trình TP.HCM - Hà Nội. Lúc này, bà Hiền đã gửi 4 kiện hành lý tiêu chuẩn miễn cước nhưng yêu cầu nhân viên làm thủ tục gửi thêm 1 kiện hành lý xách tay. Không được đồng ý, nên bà Hiền tỏ thái độ bức xúc, lớn tiếng, có lời lẽ thô bạo với nhân viên hàng không, không hợp tác giải quyết vụ việc.

Hình ảnh nữ đại úy gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất

Theo Cảng vụ hàng không miền Nam, hành khách Lê Thị Hiền sau khi gây rối mất trật tự tại Ga trong nước và sau khi đưa về Cảng vụ để xử lý, đã tiếp tục có hành vi gây rối không hợp tác, buộc Cảng vụ phải chuyển giao vụ việc cho Đồn Công an Cảng tiếp nhận xử lý ngày 11/8.

Phòng giám sát an ninh phối hợp với Đội an ninh hàng không Tân Sơn Nhất đã bàn giao Đồn Công an cảng Tân Sơn Nhất vụ việc hành khách gây rối trật tự, chống đối nhân viên an ninh hàng không tại khu vực công cộng.

Xét đến tính chất vụ việc, Phòng Giám sát an ninh đã quyết định chuyển giao vụ việc cho Đồn Công an Tân Sơn Nhất để tiếp tục xử lý vụ việc theo thẩm quyền. Đến ngày 17/8, Đồn Công an cảng Tân Sơn Nhất đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt 200.000 đồng đối với hành khách Lê Thị Hiền theo điểm b, khoản 1, điều 5 Nghị định 167 về hành vi gây mất trật tự ở khu vực Cảng. Ngoài ra, Cảng vụ cũng đã báo cáo tới cục Hàng không Việt Nam về vụ việc và đề xuất biện pháp phạt bổ sung là xem xét cấm bay đối với hành khách này do thái độ, ý thức cư xử và hành vi gây rối, không hợp tác khi bị xử lý.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, sáng nay (27/8) phóng viên cũng đã liên hệ làm việc với hãng Vietnam Airlines tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm.

Chiều 27/8, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa tin, luật sư Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: "Việc Đồn Công an cảng Tân Sơn Nhất lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt 200.000 đồng đối với hành khách Lê Thị Hiền theo điểm b, khoản 1, điều 5 Nghị định 167 về hành vi gây mất trật tự ở khu vực Cảng là đúng quy định. Tuy nhiên, ở trường hợp này, việc áp dụng xửa phạt theo Nghị định 167 đối với nữ hành khách là chưa thực sự phù hợp".

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, việc lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt 200.000 đồng đối với hành khách Lê Thị Hiền theo Nghị định 167 về hành vi gây mất trật tự ở khu vực Cảng là chưa phù hợp với tính chất của sự việc.

Đáng nói, việc Cảng vụ hàng không miền Nam có lập biên bản vụ việc nhưng lại giao cho Đồn Công an cảng Tân Sơn Nhất xử phạt là chưa hợp lý. Bởi vụ việc này xảy ra trong lĩnh vực hàng không, đe dọa đến an ninh hàng không thì việc xử lý phải thuộc trách nhiệm của Cảng vụ hàng không theo Nghị định 162/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

"Chính vì thế, trường hợp này phải áp dụng xử lý phạt hành chính từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng theo điểm h, khoản 4, điều 26 Nghị định 162/2018/NĐ-CP kèm theo những hình thức xử phạt bổ sung như cấm bay, đình chỉ công tác,...", luật sư Nguyễn Anh Thơm nhấn mạnh.

Luật sư Thơm cũng cho rằng, nếu những đoạn clip ghi lại sự việc không được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, rất có thể nữ hành khách trên chỉ phải nộp phạt hành chính như kết luận xử phạt ban đầu.

Nguyễn Lâm