Thế giới

Vụ nổ các đường ống Nord Stream 1 và 2: Bí ẩn quốc tế chưa có lời giải

Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC) đã bác dự thảo nghị quyết do Nga và Trung Quốc đệ trình về mở một cuộc điều tra quốc tế về vụ phá hoại các đường ống Nord Stream.

Đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) 1 và 2 dưới Biển Baltic, vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu, vốn đã là tâm điểm của căng thẳng địa chính trị theo sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Các vụ nổ vào ngày 26/9 năm ngoái – gây thiệt hại lớn cho 3 trong số 4 nhánh của 2 đường ống – càng thổi bùng tranh cãi quốc tế về ai phải chịu trách nhiệm.

Đối với Nga, nó dường như là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế dựa vào năng lượng của nước này, vì việc các đường ống bị hư hại sẽ ngăn cản dòng khí đốt Nga trị giá hàng tỷ USD chảy vào châu Âu.

Đối với châu Âu, nó làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng vốn đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Các quốc gia, đặc biệt là Đức, phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga, và việc từ bỏ nguồn năng lượng giá rẻ này đã tỏ ra khó khăn và tốn kém.

Vẫn chưa rõ ai đứng sau vụ nổ các đường ống Nord Stream. Nhiều cuộc điều tra đã xác định các đường ống đã bị phá hoại, và phương Tây ngay lập tức đổ lỗi cho người Nga, trong khi Moscow cáo buộc Mỹ và các quốc gia có các tuyến đường cung cấp năng lượng thay thế ở châu Âu, trong đó có Ukraine và Ba Lan, mới là “những người hưởng lợi” từ vụ việc.

Nhiều tháng trôi qua sau vụ nổ, vẫn không có bằng chứng về việc ai phải chịu trách nhiệm, và các vụ nổ vẫn là một bí ẩn quốc tế chưa có lời giải.

Khí thoát ra từ một vụ rò rỉ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển ở Biển Baltic, ngày 28/9/2022. Ảnh: CFP

Trong diễn biến liên quan mới nhất, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) hôm 27/3 đã không thông qua dự thảo nghị quyết do Nga và Trung Quốc đệ trình về mở một cuộc điều tra quốc tế về vụ phá hoại các đường ống Nord Stream.

Kết quả bỏ phiếu bao gồm 3 phiếu thuận từ Nga, Trung Quốc và Brazil, 12 phiếu trắng từ các thành viên còn lại trong UNSC, và 0 phiếu chống. Như vậy, dự thảo nghị quyết đã không nhận đủ 9 phiếu cần thiết.

Theo quy định, một dự thảo nghị quyết cần đạt ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết của một trong 5 thành viên thường trực của UNSC (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, và Nga) để được thông qua.

Bản đồ cho thấy vi trí các điểm rò rỉ được phát hiện trên các đường ống Nord Stream 1 và 2. Ảnh: Al Jazeera

Theo TASS, ngoài Nga và Trung Quốc, dự thảo nghị quyết cũng được chắp bút bởi Belarus, Venezuela, Triều Tiên, Nicaragua, Syria và Eritrea. Tuy nhiên, các quốc gia này không phải là thành viên của UNSC và không tham gia bỏ phiếu.

Nói với các phóng viên sau khi có kết quả vòng bỏ phiếu hôm 27/3, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho biết, Nga sẽ không tìm kiếm một vòng bỏ phiếu khác của UNSC về dự thảo nghị quyết trên, lập luận rằng kết quả này đủ cho thấy “sự nghi ngờ về việc ai đứng đằng sau hành động phá hoại Nord Stream đã trở nên hiển nhiên”.

Các vụ nổ đường ống xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch. Tháng trước, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức cho biết các cuộc điều tra riêng biệt của chính quyền quốc gia họ đang tiếp tục và Nga đã được thông báo.

Moscow cáo buộc rằng 3 quốc gia này đang tham gia vào một vụ che đậy do Mỹ hậu thuẫn và đã nhiều lần từ chối yêu cầu điều tra chung của Nga. Đan Mạch và Thụy Điển đã đưa ra các vấn đề về thủ tục và các quy định quốc gia là lý do khiến họ không hợp tác với Nga.

Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood đã bác bỏ “những cáo buộc vô căn cứ” của Moscow rằng Washington đứng sau “hành động phá hoại” này. Ông Wood nói: “Như chúng tôi đã nói trước đây, cộng đồng quốc tế không thể tha thứ cho bất kỳ hành động cố ý nào nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Bà Lana Nusseibeh, Đại sứ UAE tại LHQ, quốc gia đã bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết trên, hôm 27/3 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc điều tra quốc gia do Đan Mạch, Đức và Thụy Điển tiến hành, đồng thời kêu gọi “sự minh bạch trong việc chia sẻ những phát hiện của họ với các bên liên quan”.

“Sự phá hoại ác ý này không chỉ liên quan đến an ninh của cơ sở hạ tầng châu Âu mà còn cả cơ sở hạ tầng toàn cầu, xuyên quốc gia”, Phó Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ, Đại sứ Cảnh Sảng (Geng Shuang), nhận định khi phát biểu trong một cuộc họp của UNSC hôm 27/3.

“Một cuộc điều tra khách quan, vô tư và chuyên nghiệp về vụ việc là vì lợi ích của tất cả các quốc gia… để những phát hiện của cuộc điều tra có thể được công bố càng sớm càng tốt và thủ phạm phải chịu trách nhiệm”, nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Một nhà ga tiếp nhận khí đốt từ Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức. Ảnh: Getty Images

Công trường xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở Nga năm 2019. Ảnh: NY Times

Các đường ống được sở hữu và vận hành bởi Nord Stream AG, một công ty có cổ đông chính là Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom.

Cả Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đều chạy từ Tây Bắc nước Nga qua đáy Biển Baltic đến Lubmin, Đức. Nord Stream 1 đi vào hoạt động năm 2011, trong khi Nord Stream 2 hoàn thành năm 2021 nhưng chưa bao giờ đi vào hoạt động.

Minh Đức (Theo TASS, The National News)