Toàn cảnh

Vụ ngộ độc do pate Minh Chay: Bộ Y tế truy trách nhiệm

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/9, báo chí đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, sau vụ ngộ độc do pate Minh Chay. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết tùy mỗi sản phẩm thực phẩm và đồ uống khác nhau, sẽ có các cơ quan quản lý tương ứng.

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo, Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường thông tin: “Chúng tôi đã chuyển hồ sơ về vụ việc Pate Minh Chay sang bộ Công an và Bộ này đã chỉ đạo ngay Công an TP.Hà Nội để điều tra làm rõ vụ việc.

Theo Nghị định 15/2018 của Chính phủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, giao cho 3 bộ phụ trách lĩnh vực này. Trong đó, Bộ Y tế phụ trách thực phẩm chức năng, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên… Bộ Công Thương phụ trách rượu, bia, nước giải khát… Bộ NN&PTNT quản lý sản xuất, lưu thông sản phẩm ngũ cốc, thịt,  sản phẩm rau, củ, quả… Công ty Lối sống mới do chi cục Nông, lâm, thuỷ sản của Hà Nội do sở NN&PTNT cấp giấy phép, sản phẩm Pate Minh Chay cũng do công ty này công bố sản phẩm”.

Cũng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, Chánh Văn phòng bộ Công an Thiếu tướng Tô Ân Xô cho hay: “Sau khi sự việc xảy ra bộ Công an đã giao cho Công an TP. Hà Nội chủ trì xử lý vụ việc và tập hợp báo cáo, trong đó yêu cầu Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội trực tiếp chỉ đạo.

Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, rà soát toàn bộ công việc, có đủ căn cứ khởi tố vụ việc để điều tra. Tập trung xác minh làm rõ các vi phạm nếu có về quy định đầu vào nguyên liệu, bảo quản, vận chuyển, hướng dẫn sử dụng…

Phối hợp với bộ phận An toàn thực phẩm của bộ Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục làm rõ và có kết luận chính thức nguyên nhân ngộ độc thực phẩm và vi phạm của đơn vị kinh doanh này”.

Trước đó, ngày 29/8 cục An toàn Thực phẩm, bộ Y tế, cảnh báo khẩn sản phẩm pate Minh Chay nhiễm vi khuẩn độc botulinum, gây tình trạng liệt cơ, suy hô hấp. Từ ngày 17-31/8/2020, có 12 người phải nhập viện vì ăn pate Minh Chay (9 trường hợp ở TP.HCM, 3 trường hợp ở Hà Nội).

Đáng tiếc là đến ngày 4/9/2020, Quảng Nam vừa thông báo có 3 bệnh nhân nhập viện sau khi ăn bánh mì kèm pate Minh Chay. Ba người gồm 2 nữ 1 nam, có dấu hiệu bị ngộ độc nhẹ với các triệu chứng mệt, khó thở, nhìn mờ, nhìn đôi, đau họng phải nhập viện. Chi phí thuốc điều trị rất đắt đỏ, giá một liều thuốc giải mua ở Thái Lan lên đến 8.000 USD.

 Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo, trong khi chờ các cơ quan chức năng điều tra làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, người dân tuyệt đối không tiêu thụ sản phẩm pate Minh Chay cũng như các sản phẩm khác của Minh Chay; không tự tiêu hủy pate Minh Chay, thay vào đó thông báo cho cơ quan chức năng y tế tại địa phương.

Hương Lan