Cuộc sống số

“Vũ khí” Huawei có thể dùng để đáp trả mạnh mẽ khi bị Mỹ “cấm cửa”

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như Huawei kiện sắc lệnh của Tổng thống Trump ra tòa, rất có thể cuộc chiến pháp lý phức tạp sẽ này là phép thử đối với quyền hạn của ông Trump trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Theo VOV, Huawei, tập đoàn công nghệ viễn thông lớn nhất Trung Quốc đang dần bị cô lập sau khi các đối tác lớn như Google, Qualcomm và ARM cắt đứt quan hệ làm ăn với tập đoàn này. Vẫn chưa rõ Huawei sẽ phản ứng thế nào với cú sốc mới nhất, song nhiều khả năng họ sẽ làm mọi thứ có thể để tìm kiếm đối tác mới và thiết lập lại chuỗi cung ứng.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký Sắc lệnh hành pháp ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông được sản xuất bởi những công ty đặt ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ. Mặc dù Sắc lệnh không nêu tên một công ty hay một quốc gia cụ thể nào, nhưng ai cũng ngầm hiểu rằng mục tiêu chính là Huawei - tập đoàn công nghệ viễn thông khổng lồ của Trung Quốc.

Đòn mạnh tay của ông Trump đã khiến các công ty nước ngoài lần lượt rời bỏ Huawei, trong đó có cả nhà sản xuất chip Infineon có trụ sở tại Đức. Đây là một thiệt hại lớn với Huawei nhưng các công ty nói trên cũng sớm phải đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực bởi việc làm ăn với Huawei khiến họ thu về một khoản lời không hề nhỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như Huawei kiện sắc lệnh của Tổng thống Trump ra tòa, rất có thể cuộc chiến pháp lý phức tạp sẽ này là phép thử đối với quyền hạn của ông Trump trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Lo ngại lệnh cấm của Mỹ sẽ gây ra những rủi ro lớn có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng, Huawei đang xúc tiến một kế hoạch B.

Tập đoàn này đã hợp tác với các công ty khác của Trung Quốc xây dựng hệ điều hành di động (OS) của riêng họ nhằm chống lại sự độc quyền của hệ điều hành iOS-Android. Huawei cũng đang dự trữ chíp xử lý Kirin 980 để thay thế chip điện tử nhập khẩu từ Mỹ. Giao diện người dùng EMUI 9 được cài đặt cho các thiết bị cũ như Huawei Mate 9 và Huawei P10 có thể được dùng để thay thế cho các ứng dụng dựa trên hệ thống Android.

Ông Alan Rozenshtein, chuyên gia luật tại Trường Đại học Minnesota cho rằng, ngoài việc tìm kiếm các thiết bị và ứng dụng thay thế, Huawei cũng có thể kiện sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Trump. Họ có cơ sở để nói rằng chính quyền đã không xem xét đúng đắn những ảnh hưởng của sắc lệnh này và đưa ra quyết định một cách “tùy tiện”. Dựa trên hiến pháp của Mỹ, Huawei có thể lập luận rằng sắc lệnh này quá rộng và trao cho Tổng thống quá nhiều quyền lực, điều đó là bất hợp pháp.

Theo Vnexpress, Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Huawei đã nói dối người Mỹ và thế giới về vai trò do thám của công ty này cho chính phủ Trung Quốc.

"Huawei nói họ không làm việc cho chính phủ Trung Quốc là sai, một tuyên bố sai hoàn toàn. Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã không nói sự thật với người Mỹ và thế giới", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm nay trả lời phỏng vấn CNBC.

Mỹ từ lâu cáo buộc Huawei là "công cụ do thám" của chính phủ Trung Quốc, song tập đoàn viễn thông Trung Quốc phủ nhận điều này.

Sau lệnh cấm của Trump, Google đình chỉ giấy phép và thỏa thuận chia sẻ với Huawei, bao gồm việc chuyển giao các sản phẩm phần cứng, phần mềm và dịch vụ kỹ thuật. Theo đó, Huawei mất quyền truy cập các bản cập nhật của hệ điều hành Android, không có bản cập nhật bảo mật Android nào cho các thiết bị của Huawei.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ sau đó hoãn lệnh cấm 90 ngày, dưới dạng giấy phép tạm thời để Huawei được mua hàng hóa do Mỹ sản xuất nhằm duy trì hoạt động cho các nhà mạng hiện tại.

Đào Vũ (Tổng hợp)