Tiêu điểm thế giới

A-235 - Bí mật hệ thống phòng thủ cấp cao nhất giúp Moscow "ăn ngon ngủ yên" trước mọi cuộc tấn công

A-235 Nudol là một hệ thống chống tên lửa đạn đạo bí mật sẽ tạo nên lá chắn phòng thủ cực kỳ vững chắc cho thủ đô Moscow của Nga trước mọi cuộc tấn công từ bên ngoài.

Một vụ thử tên lửa phòng không của Nga.

Quân đội Nga đã rất kín tiếng về sự phát triển của hệ thống chống tên lửa đạn đạo A-135 Amur đã bảo vệ bầu trời thủ đô nước Nga trong 25 năm qua. A-135 vốn được coi là thứ vũ khí bí mật và mang tính trọng yếu của quốc gia, mà cho đến nay không mấy ai biết nhiều về năng lực của hệ thống này.

Tuy nhiên, Nga đã phát triển thêm một lá chắn bảo vệ Moscow khác là A-235 Nudol – được cho là phiên bản còn vượt trội hơn so với A-135 Amur – giúp ngăn chặn hiệu quả mọi mối đe dọa lớn nhất từ bên ngoài.

Lá chắn Moscow

Quá trình phát triển của hệ thống phòng thủ tên lửa A-235 Nudol bắt đầu từ cuối những năm 1970, khi cục thiết kế tối mật Vympel NPO được giao nhiệm vụ tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa có năng lực tương tự như A-135 Amur. Hệ thống A-135 bắt đầu được phát triển vào năm 1971 và được triển khai thành công vào năm 1995.

Quá trình phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Nga đã được cho phép theo các điều khoản của Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 1972 giữa Liên Xô và Mỹ, với những hạn chế về số lượng tổ hợp chống đạn đạo mà mỗi quốc gia có thể sản xuất là hai, trong đó tổ hợp được trang bị khả năng chống tới 100 tên lửa đạn đạo.

Dự án A-235 đã bị đóng băng vào những năm 1990 do thiếu vốn và quan hệ trở nên nồng ấm giữa Moscow và Washington, nhưng được khởi động lại vào năm 2011 bởi Almaz-Antey - 9 năm sau khi chính quyền Bush đơn phương chấm dứt Hiệp ước ABM.

Kể từ đó, dự án A-235, có tên mã là “Nudol” (được cho là sông Nudol nằm ở Moscow), đã trở thành một trong những bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Về mặt kỹ thuật, A-235 vẫn sử dụng radar Don-2N, cùng một hệ thống phòng thủ tên lửa và hệ thống cảnh báo sớm đặt bên ngoài Moscow, thường cung cấp khả năng dẫn đường cho A-135. Ngoài các tên lửa đạn đạo, A-235 có thể tiêu diệt các mục tiêu như tàu vũ trụ có người lái và không người lái cơ động gần không gian.

Hệ thống sử dụng một số loại tên lửa nhiên liệu rắn, có tầm bắn lên tới 1.500 km và khả năng tăng tốc lên tới tốc độ Mach 10. Không giống phiên bản tiền nhiệm, A-235 dự kiến ​​sẽ áp dụng cơ chế va chạm mục tiêu ở tốc độ cao chứ không phải sử dụng đầu đạn hạt nhân hay phát nổ khi đến gần mục tiêu.

Một tính năng đáng chú ý khác của A-235 là tính cơ động - với các đầu đạn đánh chặn ​​sẽ được triển khai trên các phương tiện vận tải di động.

Hệ thống radar Don-2N.

Thử nghiệm A-235 được cho là đã bắt đầu vào năm 2014 và 2015 tại sân bay vũ trụ Plesetsk ở tây bắc Nga, với khoảng 10 thử nghiệm được cho là đã hoàn thành kể từ đó.

Cuộc thử nghiệm mới nhất được cho là mới thực hiện vào tuần trước, khi Bộ chỉ huy Vũ trụ Mỹ báo cáo về cuộc thử nghiệm của Nga liên quan đến một hệ thống tên lửa chống vệ tinh trực tiếp (DA-ASAT).

Vụ phóng được ghi nhận diễn ra ở Plesetsk vào ngày 15/4 và có suy đoán hệ thống được sử dụng có thể là A-235. Quân đội Nga vẫn chưa cung cấp bất kỳ thông tin nào liên quan đến vụ thử này.

Cải tiến lớn

Mặc dù A-235 dự kiến ​​sẽ là một cải tiến đáng kể so với A-135 Amur, nhưng hệ thống hiện tại cũng tỏ ra không hề lép vế trong nhiệm vụ bảo vệ bầu trời xung quanh Moscow. A-135 có hệ thống theo dõi và phát hiện mục tiêu hoàn toàn tự động, bao gồm khả năng phân biệt đầu đạn thật giả hay mục tiêu tiềm năng. Hệ thống đã nhận được nhiều nâng cấp và thu nhỏ các thành phần có thể trong những năm 2000.

Nhận xét về khả năng đáng mong chờ của A-235 - Viktor Murakhovsky, tổng biên tập tạp chí quân sự Nga Arsenal of the Fatherland cho rằng, A-235 về cơ bản sẽ là phiên bản hiện đại hóa sâu sắc của A-135, với nhiệm vụ chính vẫn giống như hệ thống cũ: Bảo vệ Moscow và khu vực công nghiệp trung tâm của Nga khỏi cuộc tấn công từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Đối với khả năng chống vệ tinh của​​ A-235, nhà quan sát lưu ý đây sẽ là một tính năng rất cần có, vì ý định của Mỹ trong việc triển khai các hệ thống vũ khí mới trong không gian là rất đáng lo ngại. A-235 sẽ là giải pháp hiệu quả trong đối phó với các mối đe dọa như vậy.

Theo ông Murakhovsky, kế hoạch chế tạo A-235 cũng rất quan trọng khi nó có thể vô hiệu hóa một cuộc tấn công nghiêm trọng từ bên ngoài mà không cần dùng đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.