Góc nhìn luật gia

Vụ học sinh trường Gateway tử vong: Vì sao bắt giam bà Quy?

Dư luận đang có những ý kiến phân tích xung quanh việc bà Nguyễn Bích Quy (nữ monitor đưa đón học sinh của trường Gateway) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam. Vậy, việc bắt giam bà Quy có đúng quy định hay không? Theo luật thì những trường hợp nào sẽ bị bắt giam?

Chiều tối ngày 27/8, cơ quan tố tụng quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã thi hành lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Bích Quy (nữ monitor đưa đón học sinh của trường Gateway). Trước đó, vào sáng cùng ngày, bà Quy đã nhận quyết định khởi tố bị can về tội Vô ý làm chết người.

Ngay lập tức, thông tin trên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều ý kiến phân tích, tranh luận về việc bà Quy bị bắt giam. Vậy, việc bắt giam bà Quy có đúng quy định hay không? Theo luật thì những trường hợp nào sẽ bị bắt giam?

Bà Nguyễn Bích Quy (ảnh nhỏ) - nữ monitor đưa đón học sinh của trường Gateway.

Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin xung quanh vấn đề này, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư TP.Hà Nội), người từng có nhiều năm công tác trong lực lượng công an phân tích: “Theo quy định của pháp luật, biện pháp tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đối với trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng thì cơ quan điều tra vẫn có thể bắt tạm giam bị can để phục vụ công tác điều tra. Cụ thể, tạm giam trong các trường hợp như bị can có dấu hiệu bỏ trốn; không hợp tác với cơ quan điều tra; tiêu hủy chứng cứ; thông cung, gây khó khăn cản trở cho quá trình điều tra... Trong trường hợp này thì cơ quan điều tra sẽ ra lệnh tạm giam và VKSND cùng cấp phê chuẩn là đúng”.

Trở lại vụ việc của bà Nguyễn Bích Quy (liên quan đến vụ bé trai lớp 1 trường Gateway tử vong), luật sư Bùi Đình Ứng nêu quan điểm: “Lúc đầu, bà Quy nhận là do mình không chú ý quan sát trong xe xem còn cháu nào hay không, bà Quy nhận trách nhiệm của mình trước rồi mới đến lái xe. Cùng với đó, bà Quy còn khai rõ trình tự diễn biến sự việc hôm xảy ra vụ cháu L. tử vong... Điều đó thể hiện thái độ hợp tác với cơ quan chức năng.

Thế nhưng, sau đó ít ngày bà Quy lại cho rằng, hình như mình đang bị oan và có ai đó đang vu oan cho mình, thay đổi lời khai không có căn cứ... Việc cơ quan tố tụng ra lệnh tạm giam đối với bà Quy là không trái với pháp luật”.

Luật sư Bùi Đình Ứng.

Luật sư Bùi Đình Ứng chia sẻ thêm: “Người dân khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội cũng cần thận trọng, tỉnh táo, tránh bị cuốn theo những thông tin không đúng, bị hư cấu, làm sai lệch bản chất vụ việc.

Trong vụ học sinh lớp 1 của trường Gateway tử vong, chắc chắn phía nhà trường buộc phải có trách nhiệm. Đến giờ này chưa ai nói là trường không có trách nhiệm! Trách nhiệm bồi thường dân sự về mặt vật chất là phải có!

Còn lại, về trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra sẽ phải xác minh, thu thập tài liệu, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân. Căn cứ vào trường hợp cụ thể, cá nhân nào gây ra cái chết cho cháu bé, làm sai đến đâu thì xử lý đến đó, nếu đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ xử lý hình sự, làm thật nghiêm! Trách nhiệm dân sự khác với trách nhiệm hình sự”.

Ngoài ra, vị luật sư đoàn Hà Nội cũng cho rằng: “Đây là vụ việc được dư luận hết sức quan tâm, hiện nay đang xuất hiện nhiều luồng thông tin đa chiều, không chính thống. Vì vậy, cơ quan tố tụng cần phải cử người phát ngôn nhằm đảm bảo thông tin kịp thời, để dư luận hiểu đúng bản chất vụ việc, tránh trường hợp lan truyền những thông tin không đúng, làm hoang mang dư luận”.

Đồng tình với quan điểm trên, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp trong lực lượng công an cũng cho biết: “Việc bà Quy thay đổi lời khai liên tục...gây khó khăn cho việc điều tra.

Luật đã quy định, với những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng, nếu như bị can có dấu hiệu gây khó khăn, cản trở cho hoạt động điều tra thì vẫn có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam.

Hiện nay, cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ trách nhiệm của những người liên quan. Việc điều tra đòi hỏi phải hết sức thận trọng, khách quan!”.

 Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về việc Tạm giam:

1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: 

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.