Góc nhìn luật gia

Vụ học sinh lớp 2 bị điện giật tử vong: Nhà trường phải chịu trách nhiệm

Giới luật sư cho rằng, nhà trường nên thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với việc học sinh Hoàng Gia H. tử vong do điện giật trong giờ ra chơi để hội phụ huynh học sinh an tâm giao con cho nhà trường.

Liên quan đến việc học sinh Hoàng Gia H. (lớp 2B trường tiểu học Tuy Lai A, Mỹ Đức, Hà Nội) tử vong vào sáng ngày 24/10 do bị điện giật tại trường học.

Nguyên nhân ban được xác định là do tối ngày 23/10 tại địa phương có mưa lớn nên một đoạn dây điện tại trường học bị rơi xuống ở bãi cỏ sau phòng học, trong giờ ra chơi có 3 học sinh nô đùa cùng nhau thì học sinh H. dẫm lên đoạn dây điện. Khi các thầy giáo xuống phát hiện ra, thì học sinh H. đã bất động và không cứu được nữa.

Tuy nhiên, thông tin từ nhiều phụ huynh và học sinh trường tiểu học lại cho biết, đoạn dây này đã rơi từ rất lâu nhưng nhà trường không xử lý.

Cũng theo quan sát của phóng viên có mặt tại hiện trường, đoạn dây điện rơi xuống đất đã bị cỏ mọc um tùm chứ không phải là mới rơi, và đoạn dây điện rơi gần khu nhà vệ sinh, chính vì thế các em đi qua cũng như chơi đùa rất nguy hiểm.

Hiện trường bé H. bị điện giật tử vong

Việc nhà trường trốn trách nhiệm đổ lỗi do dây điện mới dây xuống đang khiến không ít phụ huynh bức xúc và cho rằng nhà trường không thẳng thắn nhận lỗi.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng, đây là một vụ việc đau lòng đã cướp đi tính mạng học sinh ngay tại trường học. Cơ quan công an sẽ vào cuộc làm rõ sự việc, xác định nguyên nhân để xử lý theo quy định pháp luật.

Luật sư Cường phân tích, trong quá trình xác minh tin báo, cơ quan công an sẽ làm rõ đường dây tải điện đó được thiết kế, lắp đặt như thế nào, ai có trách nhiệm trông nom, bảo quản.

Trong trường hợp xác định có lỗi của người quản lý đối với việc quản lý, sử dụng nguồn điện gây hậu quả chết người thì có thể xử lý hình sự người có trách nhiệm về tội vô ý làm chết người theo quy định tại điều 128 bộ luật hình sự.

Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy việc đường dây điện bị đứt là do yếu tố khách quan, không có lỗi của nhà trường, của cán bộ có thẩm quyền thì sẽ xác định đây chỉ là vụ tai nạn mà không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Đặng Văn Cường

Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra sẽ làm rõ dây điện đó rơi xuống từ khi nào, có ai phát hiện ra hay không? ai có trách nhiệm quản lý hệ thống đường dây điện ?... để xác định có cá nhân nào có lỗi vô ý do cẩu thả hay không.

Lỗi vô ý do cẩu thả là thấy được việc dây điện rơi xuống, có thể gây nguy hiểm cho người khác nhưng cho rằng việc không nguy hiểm, đã không kịp thời khắc phục, xử lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp người có trách nhiệm trông nom, bảo quản mà không phát hiện ra sự cố của đường dây hoặc phát hiện ra nhưng nghĩ rằng không thể xảy ra tai nạn thì có thể bị xem xét trách nhiệm pháp lý, nếu xác định có lỗi vô ý thì sẽ xử lý hình sự đối với người này.

“Tuy nhiên, vụ việc tai nạn này xảy ra tại trường học nên nhà trường có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho gia đình học sinh theo quy định pháp luật. Thiệt hại bao gồm chi phí mai táng, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần và các chi phí khác phát sinh từ vụ việc này”, vị luật sư nhấn mạnh.

Cũng theo quan điểm của luật sư Đăng Văn Cường, vụ việc này là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các trường học trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ. Các nhà trường cần kiểm tra hệ thống điện, ban công, cầu thang và một số vị trí khác có thể gây nguy hiểm cho trẻ em nơi trường học để đảm bảo an toàn cho học sinh, không để những bộ việc đáng tiếc xảy ra như vậy.

Đồng quan điểm, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, vụ việc đã xảy ra rồi nhưng nhà trường không thẳng thắn nhận lỗi mà trốn tránh trách nhiệm là không thể chấp nhận được.

Luật sư Bùi Đình Ứng

Theo luật sư Ứng, nhà trường không nên đổ và không được đổ lỗi cho ai để phủi trách nhiệm,  vì nhà trường phải có một phần trách nhiệm vì không đảm bảo an toàn cho học sinh trong môi trường hoạt động vui chơi tại trường.

“Quan điểm của tôi, nhà trường nên dũng cảm nhận trách nhiệm đầu tiên. Vì đây không phải sự cố bất ngờ, không phải trường hợp bất khả kháng. Nhà trường phải có một phần trách nhiệm đầu tiên, còn việc cá nhân nào có lỗi cơ quan chức năng sẽ điều tra và kết luận sau”.

Ngoài ra, nhà trường cũng nên xem xét lại đường dây điện, các trang thiết bị để  đảm bảo an toàn cho học sinh trong trường học.

Hơn nữa, mạng lưới y tế tại các trường học, cần được nâng cao kĩ năng trình độ cho cán bộ y tế các trường để đảm bảo an toàn cho các học sinh.

Luật sư Diệp Năng Bình

Tương tự, luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật Tinh Thông Luật) nhận định, trách nhiệm bồi thường được xác định dựa trên các nguyên tắc chung của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, loại trừ trách nhiệm do lỗi của chính người gây thiệt hại gây ra hoặc thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.

Trong trường hợp này nhà trường phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên quan đến tính mạng của cháu bé.

“Theo tôi được biết gia đình cháu có hoàn cảnh rất khó khăn, vì vậy thiết nghĩ nhà trường nên vó hành động bồi thường cho gia đình cháu kịp thời”, luật sư Bình cho hay.