Giáo dục

Vụ gian lận thi tại Sơn La: "Nói các thí sinh vô can là không có cơ sở"

Bên lề hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ sự chậm trễ trong việc xử lý gian lận thi cử ở các địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, vấn đề gian lận thi THPT Quốc gia 2018 nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu. Nhất là khi việc xử lý những cán bộ, phụ huynh còn chậm trễ. PV đã có cuộc trao đổi với ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) để nắm rõ hơn về tâm tư, nguyện vọng của cử tri, cũng như mong muốn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sắp tới.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đoàn Bến Tre.

Việc xử lý vụ gian lận thi cử xảy ra tại một số địa phương ở kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 có ý kiến cho rằng còn chậm. Ông đánh giá ra sao về việc này?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi khẳng định rằng cử tri và nhân dân cả nước rất bức xúc về tốc độ xử lý của các cơ quan có thẩm quyền. Dĩ nhiên, trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã khởi tố thêm, cũng có phát hiện ra một số tình tiết quan trọng nữa. Tôi lấy ví dụ như lời khai của Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La nói rằng ông Giám đốc là người chỉ đạo.

Thậm chí, còn có việc đem bài thi về tận nhà để sửa chữa. Điều đó có nghĩa là các thí sinh tự tham gia vào quá trình đó. Vì vậy, những người bảo vệ cho rằng các thí sinh vô can là không có cơ sở. Tốc độ xử lý như thế là chưa được, cần phải đẩy nhanh tốc độ và phải xử lý thật nghiêm vì việc này xảy ra đã hàng năm trời rồi, sắp đến mùa thi khác rồi mà cái tồn tại của mùa thi trước không xử lý được thì việc xem xét để rút kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề của mùa thi tới như thế nào? Thứ 2, cử tri cũng lo ngại khả năng để lâu thì không xử lý được ai cả.

Vậy theo ông việc xử lý chậm như thế này thì trách nhiệm chính thuộc về ai?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Trách nhiệm chính đầu tiên phải thuộc về cấp ủy và chính quyền các địa phương, tiếp đó là sự đôn đốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thứ 3 là các cơ quan pháp luật, trong đó có Bộ Công an phải chỉ đạo công an các tỉnh vì bây giờ chúng ta đưa vào quá trình điều tra rồi, có sự chỉ đạo đưa vào quá trình điều tra rồi, vậy tại sao lại chậm chạp? Tại sao không khẩn trương khởi tố để xử lý? Tôi nghĩ rằng việc này có gì phức tạp đâu? Đặc biệt quá trình thi cử là một quá trình khép kín, số lượng người tham gia vào quá trình đó không nhiều, vậy có gì mà phức tạp. Tôi cũng là một trong những người tổ chức thi, chúng tôi rất biết câu chuyện đó.

Ông đánh giá như thế nào về tác động của vụ việc tới tâm lý của học sinh và phụ huynh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Thực ra dư luận muốn có niềm tin rằng con em họ khi vào cuộc thi này được thi đấu sòng phẳng, được quan tâm như nhau. Ở đây có vấn đề bất bình đẳng, bất công trong việc đánh giá trình độ con người và bất công trong việc đánh giá đạo đức, phẩm chất của học sinh liên quan đến sự can thiệp một cách thô bạo của các cơ quan công quyền, của những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục, công an và các cán bộ tham gia trong vụ việc và của một số các thành viên trong gia đình, sử dụng mối quan hệ thân hữu và tiền bạc để bóp méo kết quả thi cử, bôi đen hệ thống giáo dục Việt Nam, ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục Việt Nam trên thế giới.

Tôi cho rằng những hậu quả rất lớn, rất lâu dài, xử lý vụ việc của một số người chẳng qua chỉ là bài học cảnh tỉnh, xử lý về mặt tình thế còn để khôi phục niềm tin cho người dân, để người ta tin rằng con em họ sẽ được đối xử đàng hoàng, tử tế, công bằng là việc cần phải làm và phải làm trong một thời gian dài.

ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An): Tôi thấy nếu chúng ta đổ lỗi hết sự việc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 cho bộ GD&ĐT thì cũng nên có nhìn nhận khách quan việc còn có cả trách nhiệm của chính quyền địa phương bởi đó là sự phối hợp giữa Bộ với các địa phương, Bộ này có kế hoạch, có chương trình, có cách thức để hướng dẫn, phối hợp cho các địa phương để tổ chức kỳ thi. Do đó, có trách nhiệm của địa phương mà chúng ta thấy cụ thể là những người hiện cơ quan điều tra đã có kết luận vi phạm có những người ở địa phương, những người trực tiếp tổ chức kỳ thi, trong đó có những người có chức vụ lãnh đạo. Qua sự việc này, tất nhiên bộ GD&ĐT cũng phải lấy đây là bài học, phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, đừng thấy như thế mà đổ lỗi hết cho bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT trong thời gian qua cũng đã cố gắng rất nhiều rồi, chúng ta cũng phải nhìn nhận như vậy. 

 

Ông Mai Sỹ Diến - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá: Bộ có trách nhiệm trong việc để xảy ra lỗ hổng trong quy trình tổ chức thi. Quy trình tổ chức thi do Bộ đề ra có liên quan đến tính bảo mật, nhưng nếu những người tham gia thực hiện cố tình làm sai một cách có tổ chức, hệ thống thì việc bảo mật không thể đảm bảo được.

Phải nhìn nhận khách quan rằng, những sai phạm mang tính hệ thống, có tổ chức là rất khó phát hiện. Bộ GD&ĐT khi nắm bắt được vấn đề này đã rất có trách nhiệm khi nhanh chóng báo cáo Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo kịp thời. Bộ cũng kịp thời vào cuộc cùng với ngành Công an để xác minh sai phạm, đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh. Song song với đó, ngành giáo dục đã tập trung làm rõ, tìm ra nguyên nhân, những lỗ hổng trong quy trình tổ chức thi và có các thay đổi cụ thể trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay