Hồ sơ điều tra

Vụ Ethanol Phú Thọ: Công ty Mai Phương đòi đất liên quan đến Trịnh Xuân Thanh

Đại diện Công ty Mai Phương cho rằng, giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp để sở hữu 100% vốn góp trong Công ty Mai Phương là giao dịch ngay tình, cần được bảo vệ.

Các bị cáo đồng loạt xin miễn trách nhiệm dân sự

Ngày 27/9, 6 bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án Ethanol Phú Thọ được đưa ra xét xử phúc thẩm tại TAND Cấp cao tại Hà Nội đều đồng loạt có đơn xin miễn trách nhiệm dân sự và xin được giảm án.

Các bị cáo kháng cáo trong vụ án này gồm: Vũ Thanh Hà (sinh năm 1962; nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí - PVB), Phạm Xuân Diệu (sinh năm 1960; nguyên Tổng Giám đốc PVC), Nguyễn Xuân Thủy (sinh năm 1961; nguyên Phó Trưởng phòng Đầu tư dự án, PVB), Khương Anh Tuấn (sinh năm 1975; nguyên Phó Trưởng phòng Thương mại, PVB), Lê Thanh Thái (sinh năm 1960; nguyên Trưởng phòng Kinh doanh, PVB), Hoàng Đình Tâm (sinh năm 1981; nguyên Kế toán trưởng PVB).

Các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm.

Do không kháng cáo, ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) và Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí - PVC) không được triệu tập.

Tại phiên xét xử phúc thẩm hôm nay, ba bị cáo hiện đã chấp hành hết thời hạn án tù nên không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt mà chỉ kháng cáo xin miễn trách nhiệm dân sự và án phí gồm: Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn và Hoàng Đình Tâm.

Đáng chú ý, Công ty TNHH đầu tư Mai Phương (Công ty Mai Phương) mới đây nhất vẫn tiếp tục có đơn bổ sung yêu cầu kháng cáo và kiến nghị được xem xét trả lại 3.400m2 đất tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã bàn bạc với Đỗ Văn Hồng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc - PVC Kinh Bắc) mua khu biệt thự với diện tích 3.400m2 tại Tam Đảo bằng tiền tạm ứng trái quy định của PVC.

Sau đó, năm 2011, bị cáo Thanh chỉ đạo Hồng bán lại khu biệt thự cho Công ty Mai Phương (khi đó do ông Trịnh Xuân Giới, bố Thanh, đứng tên chủ sở hữu).

Năm 2015, ông Giới bán lại Công ty Mai Phương cho bà Trần Dương Nga (vợ Thanh). Một năm sau bà Nga làm thủ tục chuyển nhượng Công ty Mai Phương cho ông Kiều Đào Lâm (ở Vĩnh Phúc) với giá 45 tỷ đồng, trong đó có 3.400m2 đất tại Tam Đảo nói trên.

Tòa cấp sơ thẩm tuyên trả lại cho PVC quyền sử dụng 3.400m2 đất tại Tam Đảo nói trên, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục xác nhận quyền sử dụng đất cho PVC.

Căn cứ để Công ty Mai Phương…“đòi đất”

Không đồng tình với phán quyết của tòa cấp sơ thẩm, Công ty Mai Phương - người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã kháng cáo đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét trả lại 3.400m2 đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), bởi Công ty đã nhận chuyển nhượng khu đất từ gia đình ông Trịnh Xuân Thanh đúng pháp luật, nên không có nghĩa vụ phải trả lại cho PVC như phán quyết của tòa án.

Ông Kiều Đào Lâm – Giám đốc Công ty Mai Phương cho biết: Trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện PVC không yêu cầu được đứng tên chủ sở hữu, sử dụng đối với lô đất 3.400m2 tại Tam Đảo; PVC chỉ yêu cầu tòa án buộc bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng liên dới bồi thường cho PVC số tiền hơn 13 tỷ đồng, là số tiền bị thiệt hại do hành vi tạm ứng tiền và góp vốn trái quy định gây nên.

Cũng theo ông Lâm, giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp của ông Kiều Đào Lâm để sở hữu 100% vốn góp trong Công ty Mai Phương là giao dịch ngay tình, cần được pháp luật bảo vệ.

“Giao dịch chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của bà Trần Dương Nga (vợ bị cáo Trịnh Xuân Thanh) trong Công ty Mai Phương cho tôi, trong đó có quyền sử dụng lô đất trên là dịch không bị pháp luật cấm; tôi không biết và không thể biết về việc lô đất mà PVC Kinh Bắc chuyển nhượng cho Công ty Mai Phương được hình thành từ nguồn tiền nào. Do vậy, trong trường hợp này phải áp dụng quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu”, ông Lâm nói.

Trong phiên tòa này, ông Đào Đức Trung được ông Kiều Đào Lâm – Giám đốc Công ty Mai Phương ủy quyền đại diện cho công ty tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Phía Công ty Mai Phương cho biết vẫn giữ nguyên kháng cáo … “đòi đất”.

Ông Đào Đức Trung – đại diện Công ty Mai Phương tham gia tố tụng.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đào Đức Trung – đại diện Công ty Mai Phương cho biết: "Bên công ty tôi cũng có nhiều cuộc họp về nội dung này. Theo chúng tôi biết, về phần dân sự trong vụ án hình sự, các đương sự vẫn có thể thỏa thuận được với nhau. Chúng tôi thiết nghĩ, để việc thi hành án của ông Trịnh Xuân Thanh và ông Đỗ Văn Hồng được khả thi, phía công ty dự định, trước mắt sẽ thực hiện nghĩa vụ thay ông Thanh và ông Hồng, sau này các cá nhân sẽ giải quyết sau, mục đích là giữ lại được 3.400m2 đất tại Tam Đảo"

Ông Trung cho biết thêm về việc nhận chuyển nhượng công ty, trong đó bao gồm cả diện tích đất trên: “Trước đó ông Kiều Đào Lâm có nhà máy thép, khi biết bà Nga chuyển nhượng khu biệt thự với diện tích 3.400m2 tại Tam Đảo, ông Lâm đã bán nhà máy thép đi để mua dư án. Tuy nhiên, khi đang triển khai, xây dựng, sửa sang dự án thì liên quan đến vụ lùm xùm của Trịnh Xuân Thanh nên dự án phải dừng lại hết, không làm được gì, gây thiệt hại rất lớn cho công ty”.

“Chúng tôi cho rằng công ty Mai Phương là bên thứ ba ngay tình cho nên cần được pháp luật bảo vệ. Quan điểm của công ty chúng tôi cho rằng, tòa cấp sơ thẩm tuyên trả lại lô đất cho PVC là không đúng thực tế khách quan, không tuân thủ quy định pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Mai Phương mà ông Kiều Đào Lâm là chủ sở hữu”, ông Trung phát biểu.

Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 133, BLDS năm 2015).

“2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu…

3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.