Chính sách

Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu là điển hình việc ban hành văn bản chưa sát thực tế

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa dẫn vụ anh thợ điện đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng ở Cần Thơ làm ví dụ điển hình về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa sát với thực tiễn khi thảo luận về kinh tế -xã hội.

Kinh tế nhiều điểm khởi sắc

Trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều 27/10 về kinh tế - xã hội, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa cho rằng, trong năm qua, kinh tế - xã hội của nước ta có những bước phát triển rất đáng ghi nhận. 

Công cuộc phòng, chống tham nhũng tiếp tục được triển khai quyết liệt, đã đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, giành được sự ủng hộ cao của nhân dân. Thu hồi tài sản sau thanh tra và thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều tiến bộ.

Trong chỉ đạo, điều hành, đối với một số vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội quan tâm, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực đã kịp thời chỉ đạo sát sao; các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc để xử lý.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa.

Trong công khai, minh bạch hoạt động, nhiều cơ quan, tổ chức đã có những tiến bộ rõ rệt. Thanh tra Chính phủ đã ban hành và công khai kết luận thanh tra đối với nhiều vụ việc nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, đánh giá cao; triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo trên phạm vi toàn quốc. Ngành Tòa án tiến hành công khai các bản án trên cổng thông tin điện tử, người dân có thể khởi kiện, nhận văn bản tố tụng của tòa án qua phương tiện điện tử….

Băn khoăn các chỉ số xếp hạng

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa dẫn lại về các số liệu do một số nhà nghiên cứu đã đưa ra, ví dụ như dân số nước ra là hơn 96  triệu người, đứng thứ 15/243 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; diện tích đứng thứ 61/189 quốc gia; đường duyên hải đứng thứ 33/154 quốc gia có duyên hải dài nhất; đất canh tác đứng thứ 32/236 quốc gia và vùng lãnh thổ.

"Như vậy có thể nói rằng, VN nằm trong số 1/3 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc nhóm đầu thế giới với tiềm lực về dân số, diện tích, đường duyên hải và đất canh tác.

Tuy nhiên, với tiềm năng không phải nhỏ nêu trên, nhưng Việt Nam vẫn đang ở vị trí rất khiêm tốn trên bản đồ thế giới xét về một số khía cạnh", ĐBQH Mai Thị Mai Hoa băn khoăn.

Bà nêu ra một số dẫn chứng để minh họa cho nhận định kể trên: Thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 129/180 quốc gia và vùng lãnh thổ; chỉ số ô nhiễm môi trường đứng thứ 132/180; chỉ số cảm nhận tham nhũng đứng thứ 107/180; Chỉ số phát triển con người đứng thứ 116; chỉ số chất lượng sống đứng thứ 65/66 quốc gia được đánh giá.

Như vậy, bên cạnh những thành tựu về kinh tế thì nếu xét trên các chỉ số nêu trên thì chúng ta chỉ đứng trong số 1/3 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc nhóm cuối của thế giới.

"Tôi cho rằng với những số liệu nêu trên cùng với lời phát biểu của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước tại Lễ tuyên thệ là: “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế “ thì thời gian tới chúng ta còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và có rất nhiều việc cần phải làm và phấn đấu", ĐBQH Mai Thị Phương Hoa bày tỏ.

Cần phải tích cực và nghiêm khắc hơn khi ban hành văn bản pháp luật

ĐBQH đoàn Nam Định quan tâm đặc biệt đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bà nêu, đáng lưu ý là trong năm qua khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính tăng 11,8% về số đơn và tăng 4,7% về số vụ so với năm 2017. Có một nghịch lý là kinh tế càng phát triển, khiếu nại, tố cáo càng có xu hướng gia tăng, tình hình thì diễn biến phức tạp và gay gắt.

"Đã đến lúc chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề mà không nên né tránh. Phải chăng có lúc, có nơi chúng ta mải lo phát triển kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến những bức xúc của người dân?

Các khiếu nại, tố cáo chủ yếu vẫn là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong thực thi công vụ, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt năm nay phát sinh nhiều vụ khiếu nại về cách thu, mức thu phí tại các trạm BOT đường bộ tại nhiều địa phương. Đây là vấn đề cần phải phân tích cụ thể, tìm ra nguyên nhân đích thực, đặc biệt là những nguyên nhân về cơ chế chính sách và phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và bộ, ngành có liên quan để có biện pháp phòng ngừa, giải quyết dứt điểm ngay từ giai đoạn đầu", ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nói.

Cũng theo bà, có tới hơn 5.600 văn bản trái pháp luật được các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương ban hành. Trong đó, nhiều văn bản ban hành trái thẩm quyền, sai sót về căn cứ pháp lý, sai về hiệu lực văn bản.

"Tôi đánh giá cao sự tích cực của bộ Tư pháp trong việc rà soát, kiểm tra, phát hiện các văn bản trái pháp luật. Tuy nhiên, việc này vẫn cần phải tích cực và nghiêm khắc hơn nữa để lập lại trật tự, kỷ cương trong ban hành, thi hành văn bản pháp luật", bà Hoa nói.

Vụ đổi 100USD thể hiện sự bất cập

Theo ĐBQH Hoa, trong thời gian vừa qua, dư luận, cử tri đặt câu hỏi về tính hợp lý, tính đúng đắn của điểm a, khoản 3, Điều 24 của Nghị định số 96 của Chính phủ về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Theo đó, hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Như vậy, thì dù mua bán 100 đô la hay hàng triệu đô la thì cũng cùng một mức phạt như nhau.

"Đây là một ví dụ điển hình về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa sát với thực tiễn. Và tôi cũng hoan nghênh việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kịp thời đề xuất phương án xử lý bất cập của quy định này trên thực tế qua 1 vụ việc cụ thể", ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Một trong những điểm ĐBQH Mai Thị Phương Hoa đặc biệt quan tâm, Nam Định là một tỉnh nông nghiệp có vùng sản xuất lúa có nhiệm vụ góp phần bảo vệ an ninh lương thực. Những năm trước đây, sản xuất nông nghiệp ở các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng và các huyện phía Nam khác của Nam Định chủ yếu dựa vào hệ thống tưới tiêu tự chảy.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thời tiết ngày càng diễn biến thất thường, việc xả lũ hồ thủy điện với lưu lượng lớn khiến việc tưới tiêu tự chảy gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều vụ lúa, bà con nông dân mất trắng do ngập úng.

"Do đó, cử tri Nam Định đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư, xây dựng một hệ thống trạm bơm để chuyển từ tưới tiêu tự chảy sang tưới tiêu chủ động thuộc địa bàn các huyện nêu trên để giảm bớt khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân vùng này", ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nói.