Tâm sự

“Vũ điệu ánh sáng”- ký ức đẹp về nghề báo

Mỗi tháng Ba về, tôi lại rạo rực ký ức đan xen về thuở ban đầu làm việc tại tòa soạn Đời sống & Pháp luật cùng những cuộc đổi mới nội dung hừng hực nhiệt huyết.

Ngày Đời sống & Pháp luật tròn tuổi 20 cũng là thời điểm tôi bước sang năm thứ 16 gắn bó với “ngôi nhà” này. Tôi vinh dự là thế hệ thứ ba và được chứng kiến những dấu mốc phát triển vượt bậc của báo.

Quá trình công tác, tôi may mắn được tham gia ở nhiều mảng, lĩnh vực. Ban đầu là mảng bạn đọc, sau đó đó là thời sự - xã hội, tiếp đến là chính trị - pháp luật. Ở mỗi mảng là những trải nghiệm và chiêm nghiệm riêng. Tôi không phải là cây bút của tờ báo, nhưng cũng xin nhận là cánh đào phai trong những mùa xuân rực rỡ nhất tại nơi này.

15 năm qua, đã nhiều người từng hỏi tôi: “Vì sao lại chọn nghề báo?”. Mẹ thấy tôi vất vả mà không ít lần ca thán, thậm chí bày tỏ sự hối hận vì cho con gái theo nghề này. Nghề báo đến với tôi như một cái duyên, bởi chuyên ngành tôi học đầu tiên là Kế toán, sau 2 năm, tôi rẽ ngang thi vào Học viện Báo chí.

Đời sống & Pháp luật là tờ báo đầu tiên tôi đến thử việc và gắn bó đến hôm nay. Trong suốt hơn 15 năm qua, với tôi cuộc “cải cách” nội dung đầu tiên ở “ngôi nhà 40 Nguyên Hồng” vào ngày 1/4/2010 không thể nào quên. Một thời “đồng cam cộng khổ” của những người “thắp lửa dưới mưa” đúng như lời Tổng biên tập Nguyễn Tiến Thanh từng nói.

Khi ấy, báo ra định kỳ 3 số/tuần. Trong bối cảnh mới, những thành tựu đan xen thách thức, gợi nhớ về loạt bài nóng bỏng và những việc cần làm ngay mà anh Nguyễn Tiến Thanh đã chỉ đạo trong các cuộc họp giao ban. Hồi đó, tòa soan chỉ hơn 10 phóng viên nhưng tất cả đều sôi sục, nhiệt huyết lắm.

Hàng sáng, chúng tôi tham gia họp nội dung với Ban Biên tập. Mỗi đề tài, phóng viên thảo luận sôi nổi, góp ý tìm ra những điểm nhấn, điểm khác biệt của đề tài cần triển khai. Mỗi số báo có một đề tài đinh, hướng đi lúc đó mà Ban Biên tập đưa ra là sự khác biệt chứ không chạy theo đề tài nóng nhất, thời sự nhất. Chúng tôi khi ấy vẫn bông đùa, mỗi loạt bài đều là phát súng đầu tiên cho trận chiến mới…

Để tiến hành cuộc đổi mới lần thứ nhất, chúng tôi phải “chạy đà” trước đó một tháng, chuẩn bị những loạt bài đúng với một mũ trang của báo “Chỉ có ở Đời sống & Pháp luật”. Thời điểm đó, tôi theo dõi mảng y tế, an toàn thực phẩm. Loạt bài Sức hút của “kẹo ma” và “mực cao su” gây được hiệu ứng tốt và nhóm chúng tôi được Ban biên tập thưởng nóng. Đời sống & Pháp luật là tờ báo đầu tiên phản ánh về đề tài này, sau đó hàng loạt các báo đồng loạt vào cuộc và tìm ra chân tướng sự thật phía sau chiếc kẹo nhỏ xinh lung linh sắc màu là thứ “thuốc độc” có thể giết chết con trẻ.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi về loạt bài này chính là ở khâu phát hiện đề tài. Hóa ra, đề tài ở ngay chính cuộc sống thường nhật mà những người làm nghề chỉ tinh ý là có ý tưởng và triển khai một cách hiệu quả nhất.

Tình cờ, vào một buổi tối mùa đông, tôi bất chợt bắt gặp thứ ánh sáng lung linh sắc màu phía dưới chiếc chăn bông - nơi cậu con trai đang say mê chơi trốn tìm. Hỏi ra mới biết, đó là kẹo mút phát sáng - thứ quà chiều mà người bác mua cho. Theo quan sát của tôi, bên trong que kẹo là một thứ nước lỏng có màu. Nó giống với những vòng dạ quang thường được bán rong trên bờ hồ, chỉ khi đem vào bóng tối nó mới phát ra thứ ánh sáng đủ sắc màu mà tôi gọi nó là ánh sáng “ma quái” và sau này trong bài viết chúng tôi đặt tên là “kẹo ma”.

Trái người với sự thích thú của con, máu nghề nghiệp khiến tôi miên man với hàng loạt câu hỏi và tình huống bất trắc có thể xảy ra với những đứa trẻ. Tôi tự hỏi: Thứ ánh sáng phát ra từ que kẹo làm bằng chất gì, có độc hại hay không? Trẻ cắn que kẹo đó, nếu vô tình vỡ ra có bị ngộ độc?

Ngày hôm sau, đưa con đến trường, tôi ghé vào gánh hàng rong để tìm mua loại kẹo này. Những đứa trẻ vây quanh gánh hàng rong, chúng lấy làm thú vị mỗi khi ngậm kẹo mút phát sáng và giữ lại phần thân kẹo làm đồ chơi. 35 nghìn đồng 1 hộp 40 chiếc - tôi vẫn nhớ như in. Bề ngoài, nó không khác mấy so với những loại kẹo mút thông thường, nhưng loại kẹo mút này có ma lực cuốn hút trẻ em kì lạ chính bởi khả năng phát sáng đầy bí ẩn trong những que cầm…

Cầm hộp kẹo trên tay, tôi bàng hoàng vì không có một phụ đề Tiếng Việt, không hạn sử dụng, không rõ thành phần và nguồn gốc xuất xứ, kẹo thì chảy nước… Đúng như tên gọi “kẹo ma” mà tôi đã mường tượng, những chỉ số đảm bảo cho một sản phẩn an toàn thực phẩm đều là con số 0 tròn trĩnh. Đó cũng chính là lý do tôi cùng đồng nghiệp đăng ký đề tài Sức hút của “kẹo ma” và triển khai loạt bài dài kỳ.

Để tìm hiểu về loại “kẹo ma”, chúng tôi nhờ một cộng tác viên tên Lâm Lâm, du học sinh Trung Quốc tại Việt Nam, để phiên dịch giúp. Lâm Lâm bảo rằng, tất cả thông tin trên bao bì chỉ ghi “kẹo hương dâu”, dòng chữ nhỏ dưới bao bì có ghi “không cắn que”. Lâm Lâm cũng bật mí, loại kẹo này bị cấm bán ở các thành phố lớn bên Trung Quốc. Đa số loại kẹo này được làm thủ công (không giấy phép) nhiều nhất ở Phúc Kiến, Quảng Đông và đem đi tiêu thụ tại các vùng nông thôn, khu vực biên giới. Ngay những cơ sở sản xuất này cũng phải liên tục thay đổi địa điểm tránh việc cơ quan chức năng kiểm tra. Những địa chỉ và số điện thoại ghi trên bao bì đều là số “ma”. Khi nghe Lâm Lâm chia sẻ, tôi không thể tin vào tai mình, phải chăng có một sự thật tàn nhẫn phía sau ánh sáng lung linh?

“Kẹo ma” được làm với đủ màu sắc bắt mắt với hương dâu, hương cam…

Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi đã tiếp xúc với một trường hợp suýt ngộ độc vì “kẹo ma”. Trò chuyện với chúng tôi, người mẹ trẻ sống ở Hoàng Mai (Hà Nội) run rẩy kể: “Con gái chị suýt bị ngộ độc vì cắt ống nhựa uống thứ dung dịch có mùi hăng hắc, nhầy nhầy trong đó”. May mắn thay, cô bé chỉ bị dị ứng, nổi ban đỏ khi người mẹ phản xạ hất tung que kẹo rơi vào cánh tay con. Câu chuyện của người mẹ trẻ cũng là lời cảnh báo trong kỳ 2 loạt bài với tiêu đề Sức hút của “kẹo ma”: Que chỉ cho chơi, đừng cắn!

Sau khi đăng tải được 4 kỳ, chúng tôi mang mẫu que kẹo đến viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia để làm các xét nghiệm cần thiết. Tôi thật sự sốc khi nhận kết quả xét nghiệm do TS.Lê Thị Hồng Hảo khi ấy là Phó Viện trưởng cung cấp. “Qua xét nghiệm chúng tôi đã phát hiện trong que cầm của kẹo phát sáng có hai chất, đó là Phtalate dung môi kết hợp với Poly aromatic hydrocacbon (PAH). Khi hai chất này trộn vào nhau có thêm hiện tượng oxy hóa, tạo ra năng lượng phát sáng trên thân cây kẹo. Đáng nguy hại là chất PHA là một chất cực độc, gây ưng thư, đột biến gen nên chỉ được dùng trong công nghiệp (như pha sơn)”, bà Hảo cho biết. (Trích lại trong bài viết đã đăng-PV)

Với khuyến cáo trên, Cục trưởng cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có “lệnh” thu hồi, tiêu hủy ngay lập tức “kẹo ma” đang được bày bán trên thị trường mà không cần phải tiến hành xét nghiệm. Đồng thời, ngành giáo dục cùng ngành y tế đã có thông tư tăng cường quản lý ăn uống bán rong ở cổng trường nhằm siết chặt tình hình an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn cho học sinh.

Thành công của loạt bài có hiệu ứng xã hội khá tốt cũng là loạt bài được Ban Biên tập đánh giá chất lượng trong giai đoạn đổi mới nội dung đầu tiên mà chúng tôi đã trải qua. Loạt bài viết khiến tôi nhớ đến “người dẫn đường” bởi tư duy mới -  làm báo phải có sự khác biệt, góc nhìn riêng có để mình không bị hòa tan.

Quay lại thời gian, tìm về ký ức đẹp những năm đầu làm báo, chắt lọc kinh nghiệm từ loạt bài viết trên, bất giác tôi chợt nghĩ: Trong đời làm báo, những thứ lung linh, huyền ảo không hẳn là thứ ánh sáng đẹp đẽ, nhưng chắc chắn thành công của loạt bài là một “vũ điệu ánh sáng” cho những chặng đường làm nghề tiếp theo của cá nhân tôi với sự sáng tạo về tư duy và  trên hết là phản ánh trung thực, khách quan về sự thật đang hiện hữu.

Hương Lan